Theo đó, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH không còn các thông tin xếp loại học lực của người học như: Xuất sắc, Giỏi, Khá, Trung bình khá hoặc Trung bình theo Quy chế đào tạo; không còn ghi các hình thức đào tạo như “Chính quy” hoặc một trong các hình thức “Vừa làm vừa học”, “Học từ xa”, “Tự học có hướng dẫn”.
Theo văn bản hiện hành, đối với ngành kỹ thuật, ghi “bằng kỹ sư”; đối với ngành kiến trúc, ghi “bằng kiến trúc sư”; đối với ngành y, ghi “bằng bác sĩ” hoặc “bằng cử nhân”; đối với ngành dược, ghi “bằng dược sĩ” hoặc “bằng cử nhân”; đối với các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế, ghi “bằng cử nhân”. Theo dự thảo mới, sẽ không còn các quy định trên.
Ngày 6/10, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho rằng, Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định đối với giáo dục ĐH, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.
Năm 2019, Bộ GD&ĐT xây dựng song song 2 văn bản, trong đó có thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Thông tư đã hoàn thiện thủ tục, quy định nội dung chính của Phụ lục văn bằng giáo dục ĐH bao gồm: thông tin của người được cấp văn bằng: họ và tên; ngày tháng năm sinh; thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng: tên cơ sở giáo dục ĐH cấp bằng; ngành đào tạo; chuyên ngành đào tạo; ngày nhập học; ngày cấp bằng; nơi tổ chức đào tạo (tên cơ sở đào tạo/phân hiệu); ngôn ngữ giảng dạy; thời gian đào tạo; thông tin về trình độ đào tạo; hình thức đào tạo; trình độ đào tạo kế tiếp mà người có văn bằng được tiếp cận; kết quả học tập: tên học phần hoặc môn học; số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học; tổng số tín chỉ tích lũy; điểm trung bình; tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có); điểm xếp loại tốt nghiệp; xếp loại tốt nghiệp.
Theo ông Trinh, các thông tin quy định ghi trên Phụ lục văn bằng tại thông tư nói trên đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo… của người học giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng.
“Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới (trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư này, Ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia). Do vậy, quy định như trong dự thảo là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới”, ông Trinh nói.
Chính phủ quy định các văn bằng đặc thù
Đối với các loại văn bằng chuyên môn, ông Trinh cho hay theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH, văn bằng giáo dục ĐH gồm 3 loại: bằng cử nhân; bằng thạc sĩ và bằng tiến sỹ.
Còn các loại văn bằng chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định. Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, theo đó các loại ngành nghề chuyên môn đặc thù sẽ được quy định tại nghị định này, dự kiến có các loại bằng kỹ sư, bằng bác sỹ, bằng dược sỹ… (với tư cách là bằng chuyên môn đặc thù). Do đó, trong dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT không quy định những trường hợp này.
Ông Trinh cho hay, dự thảo thông tư đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, việc quy định các loại văn bằng chuyên môn ngoài chịu sự tác động của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH còn phụ thuộc khung trình độ năng lực quốc gia. Với khung trình độ này, Việt Nam hiện có 8 bậc, từ sơ cấp đến tiến sĩ.
Trong đó, để phân biệt các bậc năng lực theo khung trình độ phụ thuộc vào số lượng tín chỉ đào tạo. Ví dụ, bậc 6 (tương đương trình độ cử nhân) yêu cầu khối lượng kiến thức tối thiểu 120 tín chỉ...
Bộ GD&ÐT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phù hợp, hoàn thiện thông tư có chất lượng và tính khả thi cao để đưa Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ÐH vào thực tiễn, góp phần đổi mới giáo dục ÐH trong giai đoạn mới.