Bộ GD&ĐT nói gì về Quy định chỗ 'an cư' cho GS, PGS, giảng viên

Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT)
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT)
TPO - Dư luận đang băn khoăn trước những thông tin được Bộ GD&ĐT đưa ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo khi quy định Giáo sư có diện tích sử dụng 24m2, Phó giáo sư 18m2, Giảng viên 10m2. Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Theo ông Ông Phạm Hùng Anh mục đích của Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT mà Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo được hiểu chưa đúng, nên đang gây ra những ý kiến trái chiều.

Bộ GD&ĐT nói gì về Quy định chỗ 'an cư' cho GS, PGS, giảng viên ảnh 1 Thực tế giảng viên hay các giáo sư, phó giáo sư đều cần một chỗ  ngồi làm việc
Để sử dụng có hiệu quả diện tích, ngân sách nhà nước đối với trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017). Theo đó Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT.

Đối tượng áp dụng là đơn vị Công lập gồm: ĐH, học viện, trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường CĐ sư phạm, trường trung cấp sư phạm, trường CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là lần đầu tiên có quy định về nội dung này.

Không phải điều kiện bắt buộc

Vậy cụ thể, quy định diện tích sử dụng đối với giáo sư, phó giáo sư, giảng viên nên được hiểu thế nào, thưa ông?


Mấu chốt những băn khoăn của dư luận vừa qua khi dự thảo Thông tư công bố chính bởi việc hiểu những quy định nói trên là bắt buộc, là điều kiện phải đạt được đối với các cơ sở giáo dục.

Nhưng tôi khẳng định đây không phải điều kiện về cơ sở vật chất các trường bắt buộc phải thực hiện, mà chỉ là tiêu chuẩn, định mức sử dụng nhằm mục tiêu hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất trường học vượt quá khả năng nhà trường sử dụng đến.

“Tiêu chuẩn, định mức sử này làm căn cứ để các cơ sở đào tạo lập kế hoạch và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê công trình sự nghiệp; quản lý, sử dụng các công trình sự nghiệp. Điều này đã được ghi rõ trong dự thảo Thông tư.

Ông có thể lý giải cụ thể hơn để dư luận có thể hiểu rõ bản chất của vấn đề không, thưa ông?

Những quy định này được áp dụng trong hợp nhà trường muốn mở rộng cơ sở vật chất, phải có đề án. Đề án này được xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn, định mức của thông tư. Nhà nước sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng của nhà trường đã được phê duyệt để quyết định nếu còn thiếu diện tích thì xem xét để đầu tư tiếp, nhưng nếu không thiếu thì dừng đầu tư.

Như vậy, Thông tư này chỉ có tác động khi các trường muốn lập dự án đầu tư. Với quy định này sẽ chống lãng phí, chống các trường xây vượt quy định; là căn cứ, định hướng cho phát triển trong tương lai của trường đại học và chỉ áp dụng với trường sử dụng ngân sách nhà nước. Nhưng đây chỉ là một điều kiện, điều kiện tiếp theo là phải có kinh phí, phải phụ thuộc vào ngân sách. Hướng tới các trường dần đạt các điều kiện chuẩn mực về cơ sở vật chất.

Nếu dự thảo không xác định mỗi giáo sư cần có diện tích 24 m2; mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 18 m2; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10 m2… thì khi trường muốn lập dự án đầu tư, trong dự án đó muốn có diện tích cho các giáo sư, giảng viên có nơi làm việc như trên thì chắc chắn sẽ không được phê duyệt.

Bên cạnh đó, việc quy định diện tích làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên là cần thiết; bởi ngoài việc lên lớp, họ còn cần không gian nghiên cứu, làm việc với sinh viên; không phải chỉ đến trường dạy hết tiết rồi về.

Hoặc có trường muốn trình lên cơ quan có thẩm quyền về việc mong muốn sử dụng cơ sở vật chất của trường để liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật.

Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào diện tích chuyên dùng của nhà trường, nếu có dư thừa theo tiêu chuẩn định mức đã công bố thì mới cho phép; trường hợp diện tích chuyên dùng của trường đó chưa đủ phục vụ dạy học thì sẽ không được phép.

Hoặc trường muốn đi thuê, thì những quy định này cũng là căn cứ để các trường trình lên cấp có thẩm quyền.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.