Giao dịch qua sàn bất động sản: Không quản được thì bỏ?

Giao dịch bất động sản qua sàn sắp đóng cửa?
Giao dịch bất động sản qua sàn sắp đóng cửa?
TP - Bộ Xây dựng vừa đề xuất bỏ quy định bắt buộc giao dịch qua sàn bất động sản (BĐS) trong Dự thảo Luật kinh doanh BĐS sửa đổi. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, liệu đây có phải kiểu quản lý không quản được thì bỏ, thể hiện sự bất lực trong việc quản lý các sàn giao dịch thời gian qua?

Hết thời đua nhau lập sàn

Năm 2006, Luật Kinh doanh BĐS ra đời quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch BĐS” để tăng cường sự minh bạch, kiểm soát chặt chẽ thị trường. 

Sau khi luật có hiệu lực, nhiều chủ đầu tư đua nhau lập sàn giao dịch để bán dự án của chính mình; các công ty môi giới BĐS cũng nâng đời lên thành sàn BĐS. 

Tuy nhiên, nhiều năm tồn tại, ngày càng nhiều sàn hoạt động thiếu chuyên nghiệp, mang tính hình thức, thậm chí trở thành công cụ hợp thức hóa vi phạm cho các chủ đầu tư. Không ít sàn giao dịch bị xử lý vi phạm, buộc đóng cửa khiến khách hàng chịu thiệt hại.

Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến tháng 3/2013, cả nước có 1.012 sàn giao dịch BĐS được thành lập (trong đó Hà Nội có 469 sàn, TP HCM 397 sàn) với tổng số người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá BĐS lên tới hơn 35.000 người.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, sự phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm” khiến mục tiêu minh bạch hóa thị trường BĐS không đạt được. “Điều kiện thành lập sàn đơn giản. Hơn nữa, phần lớn đội ngũ nhân viên sàn giao dịch BĐS chỉ qua đào tạo ngắn hạn, từ 2-3 tháng có chứng chỉ. Sàn giao dịch là sân sau của chủ đầu tư nên vô hình trung góp phần tạo sốt ảo, giá chênh các dự án”, ông Liêm nói.

Ông Liêm dẫn chứng, mặc dù thị trường BĐS trầm lắng, nhưng khách hàng không mua được giá gốc do các sàn giao dịch “om hàng”, đẩy giá.

Một giám đốc kinh doanh BĐS Hà Nội chia sẻ, điều nguy hiểm là các sàn giao dịch đang có xu hướng bắt tay nhau mua dự án chưa có giấy phép. Việc huy động vốn trái phép rồi dùng nhân viên sàn đẩy giá lên cao đang làm lũng đoạn thị trường BĐS (đang trong thời kỳ phục hồi).   

Quản cách nào?

Người đứng đầu Bộ Xây dựng từng lý giải rằng, quy định bắt buộc doanh nghiệp khi mua bán, cho thuê BĐS phải thông qua sàn giao dịch như lâu nay đã làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, thêm thủ tục, thêm chi phí và góp phần đẩy giá, tạo giao dịch ảo. 

Do vậy, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS bỏ quy định bắt buộc này nhằm khắc phục những bất cập vừa nêu; đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Cơ quan quản lý nhà nước “nước đôi” trong việc bỏ quy định bắt buộc qua sàn BĐS. Không bắt buộc có nghĩa là không cấm. Như vậy, việc giao dịch qua sàn hay không thì tùy khách hàng. Đề xuất này nếu được thông qua, trách nhiệm và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về giao dịch BĐS ngày càng mờ nhạt”.

Một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh BĐS TPHCM

Như vậy, chỉ chưa đầy 7 năm khi Luật Kinh doanh BĐS ra đời, Bộ Xây dựng lại thay đổi chính sách. Ông Vũ Cương Quyết - GĐ Cty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc băn khoăn, việc bỏ giao dịch qua sàn chưa chắc thị trường hết “thổi” giá. Theo ông Quyết, thực tế gần đây, người dân đã tin tưởng và quen với việc đến các sàn giao dịch để tìm hiểu thông tin nhà đất, đăng ký mua bán, giao dịch. Những sàn làm việc bài bản, chất lượng uy tín, vẫn “sống khỏe”. 

“Theo tôi, thay vì bỏ giao dịch qua sàn nên chuyên nghiệp hóa hoạt động của các thành phần: Chủ đầu tư xây dựng, phát triển dự án; sàn giao dịch nâng cao chất lượng môi giới, làm cầu nối người dân đến với sản phẩm… Mấu chốt vẫn là cơ quan quản lý cần có biện pháp siết chặt quản lý các sàn”, ông Quyết nói.

Cùng quan điểm với ông Quyết, ông Tô Chí Công - Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Châu Á cho rằng, để bán hàng, chủ đầu tư phải mất chi phí quảng bá, đội ngũ nhân viên... Chi phí này chắc chắn đắt hơn chi phí do chính đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của sàn giao dịch làm.

Một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng chia sẻ: “Chỉ xoay quanh vấn đề bắt buộc hay không bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn, cho thấy nhà quản lý đang nỗ lực đưa ra chính sách “chữa cháy”. 

Hệ thống pháp luật về quản lý, vận hành sàn giao dịch BĐS, bao gồm cả bộ tiêu chuẩn về phân loại sàn, đào tạo và cấp chứng chỉ môi giới, định giá, tư vấn, quản lý sàn…. đều do Bộ Xây dựng ban hành. Cơ quan quản lý phải thống nhất để tránh doanh nghiệp suốt ngày phải chạy theo sự sửa sai của chính sách”.

MỚI - NÓNG