Khánh Hoà:

Thu hồi đất làm khách sạn sai luật, dân bị ‘treo’ quyền lợi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất của người dân để thực hiện dự án khách sạn Sasco Nha Trang sai luật và bị thua kiện. Tuy nhiên, trong khi dự án đang "treo" suốt 20 năm qua thì đất của người dân vẫn không thể làm giấy tờ.

Phản ánh với Báo Tiền Phong, ông Phạm Văn Tuân (ở phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết đã có đơn đăng ký gặp Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa để phản ánh, kiến nghị Bí thư Tỉnh ủy xem xét, có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm dự án khách sạn sasco Nha Trang đã kéo dài đã hơn 20 năm qua.

Thua kiện nhưng không hủy quyết định thu hồi đất

Theo trình bày của ông Tuân, năm 1996, gia đình ông mua 2 lô đất với diện tích 341m2 tại số 245 đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Đến năm 2002, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 150m2 đất ở lâu dài. Phần diện tích 183m2 còn lại, do quy định hạn mức thời điểm đó nên chưa được cấp giấy nhưng đã có chứng thực, có biên bản họp xét, biên bản xác minh của UBND phường Vĩnh Hòa.

Thu hồi đất làm khách sạn sai luật, dân bị ‘treo’ quyền lợi ảnh 1

Khu đất Dự án Khách sạn Sasco Nha Trang đã treo suốt 20 năm qua.

Đến năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Dịch vụ hàng không Tân sơn Nhất thực hiện dự án khách sạn Sasco Nha Trang với tổng diện tích là 7.702m2. Đến năm 2017, UBND TP Nha Trang ra quyết định thu hồi đất đối với gia đình ông Tuân để thực hiện dự án khách sạn Sasco Nha Trang.

Không đồng ý, ông Tuân đã khởi kiện yêu cầu tòa hủy tất cả các quyết định nêu trên. Tại bản án sơ thẩm tháng 9/2020, TAND tỉnh Khánh Hòa đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Tuân. Nhưng bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng tháng 12/2020 đã tuyên hủy các quyết định của UBND TP Nha Trang liên quan việc thu hồi đất, giao đất, bồi thường khi nhà nước thu hồi đất của ông Phạm Văn Tuân để thực hiện dự án khách sạn Sasco Nha Trang.

Theo ông Tuân, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực 4 năm qua nhưng cho đến nay không được thi hành triệt để. Thậm chí, đến tháng 8/2022, UBND TP Nha Trang đã từ chối giải quyết việc đăng ký quyền sử dụng đất của của ông Tuân với lý do: Thông báo thu hồi đất năm 2009 của UBND TP Nha Trang để thực hiện dự án khách sạn Sasco Nha Trang vẫn còn hiệu lực.

"Tôi làm đơn xin đăng ký gặp Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa để trình bày và cung cấp tài liệu để Bí thư Tỉnh ủy có căn cứ chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND TP Nha Trang sớm ban hành thông báo chấm dứt hiệu lực thông báo thu hồi đất của UBND TP Nha Trang vì theo luật Đất đai 2024 quy định: Thông báo thu hồi đất có hiệu lực trong 12 tháng", ông Tuân cho hay.

Chủ đầu tư phải thỏa thuận bồi thường với dân

Liên quan đến vụ việc trên, tháng 3/2021, Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có thông báo gửi Viện KSND các tỉnh, thành phố trong khu vực nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung khi giải quyết các vụ án tương tự.

Thu hồi đất làm khách sạn sai luật, dân bị ‘treo’ quyền lợi ảnh 2

Khu đất nằm ngay mặt đường Phạm Văn Đồng được quây tôn rỉ sét.

Cụ thể, dự án khách sạn Sasco Nha Trang là dự án phát triển kinh tế nên chủ đầu tư phải thỏa thuận với chủ sở hữu đất để bồi thường, giải tỏa, tái định cư. Dù chủ đầu tư dự án và hộ ông Tuân chưa thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường, nhưng UBND TP Nha Trang đã ban hành quyết định về việc thu hồi đất của hộ ông Tuân là không đúng quy định tại Điều 40 Luật Đất đai năm 2003 (điều 62 Luật Đất đai năm 2013). Từ đó, đã ban hành các quyết định về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nha Trang và Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định đều về việc giải quyết khiếu nại của ông Phạm Văn Tuân là không có cơ sở, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.