Nhạc sĩ Giáng Son thể hiện sự bức xúc qua Facebook vào 14/10 sau khi bị BH Media khiếu nại về bản quyền của bài Giấc mơ trưa, mặc dù chị là chủ sở hữu toàn bộ từ sáng tác cho đến bản ghi và chỉ ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam tức VCPMC, chứ chưa hề làm việc với BH Media hay Hồ Gươm Audio - đơn vị đã ủy quyền cho BH Media khai thác các bản ghi trên mạng.
Đại diện BH Media khẳng định việc bản ghi của Giáng Son nhận được thông báo về bản quyền là do có một vài chỗ trùng khớp với bản ghi của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh do chế độ quét tự động (Content ID) phát hiện. Đây không phải là một cảnh cáo vi phạm bản quyền. Và bên gửi thông báo là YouTube chứ không phải BH Media. Thông báo này không ảnh hưởng đến trạng thái tài khoản của Giáng Son, tức clip Giấc mơ trưa do Giáng Son đưa lên vẫn tồn tại trên YouTube.
Đơn vị được Giáng Son ủy quyền làm việc với BH là VCPMC đến lúc này vẫn chưa gửi văn bản gì cho BH hoặc “Trung tâm này hiểu cơ chế hoạt động của YouTube và cho rằng đây là một việc bình thường và hợp lệ nên đã không liên lạc”, đại diện BH phỏng đoán.
Tổng giám đốc BH Media Nguyễn Hải Bình (giữa) tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 27/10 tại Hà Nội- Ảnh: N.M.Hà |
Theo BH thì các quyền tác giả và quyền sở hữu bản ghi âm trong trường hợp Giáng Son với Giấc mơ trưa vẫn được ghi nhận đầy đủ trên môi trường YouTube cũng như trong các thông báo thanh toán cho các bên chủ sở hữu liên quan để đảm bảo quyền lợi mỗi bên. “VCPMC phải chịu trách nhiệm giải thích và thanh toán đầy đủ với chị Giáng Son tiền tác quyền của bản ghi Giấc mơ trưa vì Giáng Son đã ủy quyền cho VCPMC khai thác trên tất cả các nền tảng”, đại diện BH khẳng định. “Tránh để nhạc sĩ hiểu lầm là BH kiện chị hoặc BH Media đã nhận tác quyền của chị”.
BH khẳng định là đại diện khai thác trên môi trường mạng cho hãng ghi âm, nhà sản xuất như Hồ Gươm, Bến Thành, Sài Gòn Vafaco, Hãng phim Trẻ… Việc BH khai thác các sản phẩm vốn trước đây chỉ tồn tại dưới dạng đĩa vật lý đã đem lại doanh thu cho chủ sở hữu thực sự chứ không bị sử dụng trôi nổi trên mạng nữa.
“BH có hợp đồng với các nhà sản xuất như Hồ Gươm thì hai bên sẽ chịu trách nhiệm trong các điều khoản của mình. Còn việc họ có làm việc với chị Giáng Son hay không cũng như Dương Thùy Anh làm việc với chị Giáng Son như thế nào thì BH không thể biết được”, đại diện BH cho hay.
“Chúng tôi khi làm việc với nhà sản xuất luôn có đầy đủ hợp đồng và giấy phép liên quan đến sản phẩm. Nếu bản ghi có vướng mắc về bản quyền giữa nhạc sĩ, ca sĩ và nhà sản xuất thì đó là là việc giữa các bên ở khâu sản xuất. Đương nhiên bên tôi cố gắng hỗ trợ tối đa trong việc cùng ngồi lại giải quyết giữa các bên nếu album còn những vướng mắc, chứ không trốn tránh trách nhiệm hay có hành vi vi phạm bản quyền ở đây”.
Qua quá trình làm việc với các hãng thu âm, ông Nguyễn Hải Bình, tổng giám đốc BH Media nhận thấy họ “cũng rất ngại ngần trong việc đưa các bản ghi lên mạng vì sẽ phải xin phép tác giả của các bài hát”. Và BH đã thay các hãng làm công việc này bằng việc đại diện ký hợp đồng âm nhạc với YouTube. Để từ đó YouTube có trách nhiệm trong đối soát doanh thu cho các tác giả.
“Trong tất cả những video chúng tôi đưa lên, YouTube đều trích tiền dành cho tác giả với tỷ lệ đã được thống nhất với các hội bảo vệ quyền tác giả. Việc chúng tôi đưa bản ghi của các hãng lên môi trường YouTube thực chất giúp cho việc phổ biến các bài hát, mặc dù đã phát hành 20-30 năm trở về trước, tạo nguồn thu cho các tác giả”, ông Bình cho biết.
Như vậy BH khẳng định vai trò của họ trong việc đưa ra các bản ghi để YouTube làm căn cứ đối soát, chứ nếu chỉ đưa tên bài và lời hát như một số đơn vị khác thì hệ thống trí tuệ nhân tạo của YouTube “có thông minh đến đâu cũng không thể rà soát hết được”.
BH mới có được hợp đồng cung cấp các bản ghi cho YouTube năm ngoái và họ cho biết đến nay đã đưa lên gần 100 ngàn bản ghi khai thác từ kho băng đĩa của các hãng.
“Trước kia với các video đưa lên, YouTube có thể đã trả tiền cho chủ kênh nhưng không trả tiền được cho tác giả khi chưa xác định được tác giả. Thì nay từ lượng bài chúng tôi đưa lên, YouTube sẽ có được tham chiếu để quét thông tin của bài hát và đối soát doanh thu cho tác giả. Năm ngoái mặc dù COVID, không có doanh thu biểu diễn, nhưng doanh thu của VCPMC vẫn tăng đột biến cũng do chúng tôi đưa lên lượng bài lớn”, ông Bình khẳng định.
Nhạc sĩ Giáng Son- Ảnh: NGUYỄN MẠNH HÀ |
Giáng Son: BH đổ tại YouTube quét nội dung tự động là sai!
YouTube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác (network) tự quản lý và thực thi. Nếu network không tự ý bật công cụ và ra lệnh quét trùng khớp thì không có chuyện video âm nhạc của Giáng Son bị đính xác nhận bản quyền từ BH Media.
Người thực thi là network, họ thông qua công cụ mà YouTube cấp đó để thực hiện các hành vi cần thiết. Nếu hành vi đó là hợp lệ thì YouTube cho phép. Nhưng nếu đó là hành vi lạm dụng (như BH Media không xác minh rõ nguồn gốc tác phẩm) thì hành vi này là không được phép.
BH chỉ được phép bật công cụ quét khi Dương Thùy Anh là chủ sở hữu độc quyền phần phối khí đó. Về quyền tác giả: Tôi không có hợp đồng gì với Dương Thùy Anh. Quyền hòa âm phối khí: Dương Thùy Anh xin từ người phối khí của tôi.
Như vậy, BH Media không những không xin lỗi tác giả, mà còn chỉ trích tác giả, lạm dụng tính năng quản lý nội dung mà YouTube cấp để làm sai, nhận vơ bản quyền. Tôi đã làm việc với luật sư của VCPMC và mọi việc sẽ rõ.
Mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành chứa đựng 2 loại quyền tách biệt là quyền bản ghi - liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi âm; quyền tác giả bao gồm giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm. Theo luật, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi; người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả. Ở Việt Nam phổ biến trường hợp nhạc sĩ hoặc ca sĩ cũng chính là nhà sản xuất nên họ giữ cả hai quyền như trường hợp Giáng Son với Giấc mơ trưa.
Tuy nhiên theo BH thì Giấc mơ trưa của Giáng Son đang không được nhận diện về quyền bản ghi do hợp tác với đối tác kinh doanh không có công cụ về mảng này. Do đó bản ghi Giấc mơ trưa của Giáng Son hiện đang không được bảo vệ, cho dù tác quyền vẫn được đảm bảo. “Với mỗi loại nội dung, người chủ sở hữu sản phẩm muốn tối ưu doanh thu nên tìm đối tác có công cụ kinh doanh tốt, tối ưu cho sản phẩm. MV ca nhạc nên đưa trên công cụ chuyên về âm nhạc để tối ưu về tiền. Nếu chị Giáng Son cảm thấy không tin tưởng VCMPC, có thể ủy quyền cho BH Media. Chúng tôi sẵn sàng tư vấn cho chị và trực tiếp trả tác quyền cho chị như VCPMC”, đại diện BH khuyến cáo và nhấn mạnh.
BH Media thông báo VCPMC có hoạt động thu phí tác quyền chưa chính xác với một số tác phẩm mà BH đang được ủy quyền khai thác. Chẳng hạn bài Kẹo bông gòn của tác giả H2K đang bị VCPMC thu dưới tên bài Anh thương em em thương ai của Huy Dinh Tung và một số bài khác; Dễ đến dễ đi của Hùng Master D cũng bị thu tiền dưới tên một bài có tên khác của Nguyễn Văn Lợi. Hay bản thu bài Con heo đất do con gái của nhạc sĩ Ngọc Lễ thể hiện thì lại bị VCMPC thu theo tên ca sĩ Xuân Mai. Các tác giả này đều xác nhận với BH không hề ủy quyền và cũng chưa nhận được tác quyền từ VCPMC.