Manh mối vượt thoát đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Gia đình anh Vũ Quốc Cường không khá giả, ở nhà thuê nhưng vẫn tích cực làm thiện nguyện
Gia đình anh Vũ Quốc Cường không khá giả, ở nhà thuê nhưng vẫn tích cực làm thiện nguyện
TP - Một cháu bé ra đời ngay trên đường phố Sài Gòn với sự hỗ trợ kịp thời của công an, bộ đội. Được biết bố mẹ sẽ đặt tên cháu là Tĩnh, theo tên của học viên trường ĐH Cảnh sát Nhân dân trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ, cách không xa chốt kiểm soát Liên khu 5-6 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM).

COVID-19 reo rắc cái chết nhưng vẫn không thể ngăn được sự sống và nguồn cội của sự sống: tình yêu. Sức mạnh của tình yêu đã mang Evan, 27 tuổi từ Mỹ sang Việt Nam vào đúng thời kỳ hoành hành của COVID-19. Đầu tháng Hai năm ngoái, Evan lên mạng học tiếng Việt chuẩn bị cho chuyến du lịch châu Á thì gặp Thủy Tiên, 23 tuổi đang muốn học tiếng Anh. Việc trao đổi ngôn ngữ là cái cớ để họ gọi điện cho nhau vài ngày sau. Bốn tháng sau, Evan tỏ tình và bị Tiên từ chối, mười lần sau đó cũng vậy. Phải đến giữa tháng Sáu, khi anh tỏ tình bằng… nước mắt, Tiên mới “mủi lòng”.

Evan bắt đầu tiết kiệm, đi làm việc 12 tiếng một ngày lấy tiền qua Việt Nam. Đầu tháng 7/2020 anh bắt đầu đặt vé máy bay. Nhưng phải tới lần thứ năm tức là vào tháng Mười, việc đặt vé mới thành công. Một phần nhờ Evan xin được việc làm tại TPHCM. Trước khi tiễn con trai lên đường bố Evan chỉ biết cảm thán: “Mỹ hết con gái rồi sao?!”.

Manh mối vượt thoát đại dịch ảnh 1

Cái kết có hậu của chuyện tình xuyên lục địa Evan-Thủy Tiên

Tại TPHCM, Evan được ăn cơm Tiên nấu trước khi được thấy mặt cô vì họ cách nhau hàng rào cách ly và khẩu trang. Ra “trại” một cái, Evan quỳ xuống cầu hôn Thủy Tiên tại nhà cô và anh cũng “ở rể” luôn từ bấy đến giờ. Họ cùng nhau chăm sóc hơn 20 chú chó và mèo bị bỏ rơi. Dịp này, Evan phụ giúp nhà vợ nấu ngày 35 suất ăn trưa, cùng hàng xóm đưa đến điểm tập kết tặng những hoàn cảnh khó khăn. Báo dẫn lời Evan: “Tôi không hối hận dù hiện tại New York mở cửa, mọi người được tự do hơn, trong khi TPHCM đã giãn cách 3 tháng. Với tôi, không còn gì tuyệt vời hơn là được ở bên Tiên và hàng ngày ăn cơm cô ấy nấu”.

Tình yêu không chịu cách ly. Đầu tháng Hai năm ngoái, Phương Linh du học sinh người Hà Nội từ Úc, được cách ly tại khu y sĩ Hoàng Hải làm việc. Tình yêu nảy nở lúc nào không hay. Sáu tháng sau họ làm đám cưới và Linh theo chồng về Bình Dương lập nghiệp. Lúc này Hải vẫn tiếp tục tham gia chống dịch.

Ứng dụng zoom không chỉ để họp, cuối tháng Bảy vừa qua nó đã thành “hôn trường” cho một cặp đôi ở TPHCM. Khoảng 40 người thân trong và ngoài nước đã tham dự lễ đính hôn trực tuyến của Nguyễn Minh Khang và Trần Thị Phương. Đôi trẻ đã về chung mái nhà và nếu vẫn tiếp tục giãn cách có thể đám cưới cũng sẽ được tổ chức online luôn.

Tháng Ba năm ngoái một cặp đồng tính nữ lại chọn đường phố để tổ chức hôn lễ để đảm bảo quy định giữ khoảng cách của thành phố New York, Mỹ. Do lo ngại về tình hình dịch bệnh nên cặp đôi Reilly Jennings và Amanda Wheeler đã quyết định cưới gấp và may mắn người bạn của họ mới thăng chức mục sư đã nhận lời chủ trì đám cưới từ trên cửa sổ căn hộ tầng 4 của anh. Trong khi hai nhân vật chính cùng vài người thân đứng trên hè phố. Họ chỉ có 90 phút để chuẩn bị trang phục và hoa. Cặp đôi ở nhà xem phim trên mạng thay cho tuần trăng mật.

Có biết bao câu chuyện về tình yêu vẫn đang được kể bất chấp đại dịch. Đơn giản, như virus không ngừng biến chủng để sống còn, loài người cũng không thể hoãn sống và yêu. Và nếu có phải chạm đến lằn ranh sống chết, tình yêu vẫn bất tử. Hai ông bà Liền và Ân ở Thanh Trì, Hà Nội, tuổi đều ngoài 70, đều mắc COVID-19 và trở nặng. Khi bác sĩ thông báo bà phải thở máy thì bà lại nghĩ ngay đến chồng đang nằm giường bên cạnh. Bác sĩ Lê Văn Thiệu ở Bệnh viện Hà Đông kể: “Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hy sinh cho gia đình, hy sinh cho chồng con. Dù não đang thiếu oxy, dù đang thở không ra hơi nhưng bà vẫn thều thào nói với chúng tôi: "Thưa bác sĩ, nếu thiếu máy thở, tôi xin nhường máy cho ông ấy". Rất may là máy thở không thiếu và cả hai vợ chồng đều hồi phục.

Bình thường gia đình là nhất nhưng lúc này nhiều người đã vượt lên trên những tình cảm riêng tư để chạm tới một tình yêu lớn lao hơn. Như câu chuyện trung tá Phan Như Ý xung phong đi làm nhiệm vụ tại khu cách ly cho 100 dân tại Yên Dũng, Bắc Giang. Chưa kịp báo cho vợ là cô giáo Hoàng Thị Lan Hương biết thì đến nơi đã thấy vợ ở đó phục vụ cơm nước cho đồng bào.

Thủ tướng vừa gửi thư chia buồn và động viên gia đình anh Vũ Quốc Cường chủ một quán cơm chay thiện nguyện tại TPHCM vừa ra đi vì COVID-19 trong khi làm nhiệm vụ do trái tim giao phó: phát cơm cho những người khó khăn. Cả bốn đợt dịch, hai vợ chồng anh cùng con trai đều nấu cơm đưa vào các khu cách ly, phong tỏa, mỗi ngày mấy trăm phần.

covifChị Lan, vợ anh cũng nhiễm COVID nhưng may qua khỏi. Dù còn chưa nhận được tro cốt của chồng nhưng chị khẳng định vẫn sẽ duy trì quán cơm chay “vô giá” (ai muốn trả bao nhiêu thì trả). Không ít những người tình nguyện ra tuyến đầu, dù họ hoàn toàn có thể ngồi nhà như chúng ta, đã quên mình như anh Cường…

Loài người tự xếp mình vào vị trí tiến hóa nhất Quả Đất, nhưng đó vẫn là trên quan điểm của loài người. Khách quan mà nói, riêng về khoản tình yêu và đức hy sinh có lẽ là điểm trội của chúng ta so với virus. Manh mối để nhân loại vượt thoát nhiều đại dịch không riêng gì COVID-19 nằm ở đó.

MỚI - NÓNG