Vùng đỏ bị ô nhiễm tiếng ồn kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh trích từ clip người dân quay lúc 4h30 sáng ghi cảnh loa chốt liên ngành phát loa tuyên truyền phòng dịch. Mũi tên chỉ vị trí chốt trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, TP.HCM.
Ảnh trích từ clip người dân quay lúc 4h30 sáng ghi cảnh loa chốt liên ngành phát loa tuyên truyền phòng dịch. Mũi tên chỉ vị trí chốt trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, TP.HCM.
TP - Trong nhiều vấn đề nảy sinh khi giãn cách quá lâu, có nạn ô nhiễm âm thanh ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và sức khỏe của người dân vài nơi tại TP.HCM.

Khi tất cả đều phải ở trong nhà và không chạy đâu cho thoát loa phóng thanh phát quá nhiều và kéo dài những nội dung về dịch bệnh lặp đi lặp lại, có nơi liên tục từ 6h sáng đến 6h tối.

Đó là tình trạng kéo dài hơn một tháng nay tại khu chung cư HAGL 3, xã Phước Kiến, huyện Nhà Bè. Đây là nơi ở của vợ chồng nhạc sĩ Lê Thanh Tâm và ca sĩ Trương Hải Yến.

Với những người nhạy cảm với âm thanh, việc phải nghe loa suốt ngày là quá đà. Lê Thanh Tâm mô tả: “Nội dung bản tin gồm các thông tin về nghị định của chính phủ, các nguyên tắc phòng chống dịch, yêu cầu bà con bình tĩnh, sẽ có gói an sinh đến tận nhà... Kèm hai bài hát, tổng cộng khoảng 15 phút phát không nghỉ. Tiếng còi cứu hỏa, cứu thương vọng lên đây rất lớn nhưng không thể lớn bằng tiếng nhạc phát từ loa của chốt liên ngành trên đường Nguyễn Hữu Thọ”. Bản tin bắt đầu phát từ đầu tháng tám, giữa tháng có thêm nhạc, tất nhiên không thuộc loại êm dịu. “Mỗi lần lên cao trào tôi bị ảnh hưởng nặng”, anh mô tả.

Năm ngoái, dư luận đã sôi sục về vấn nạn loa kéo hát karaoke vô tội vạ dẫn tới sự ra đời của tổng đài 1022 chuyên phản ánh các vấn đề đô thị bao gồm ô nhiễm âm thanh. Nhưng loa chốt liên ngành còn “khủng” hơn vì không ai có thể hát hò liên tục 12 tiếng/ngày. Có những hôm loa mở từ 4h30 sáng tới hẳn 22h30!

Một số khu dân cư tại TP.HCM đang phải gánh chịu tiếng ồn từ hệ thống loa phóng thanh phát theo những khung giờ tréo ngoe. Một phản ánh tại tổng đài 1022 từ ấp Phước An, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi: “Đề nghị UBND huyện cho giảm bớt thời lượng phát loa của xã. Lịch phát mỗi ngày từ hơn 5h sáng tới 9h30. Trưa từ 11h30 tới 13h30. Chiều từ 15h30 tới 18h. Một nội dung có khi lặp đi lặp lại hàng mấy mươi lần…”.

Nhưng theo phân tích của Tâm thì việc bật loa tuyên truyền tại chốt cũng không đúng đối tượng. Vì người đi đường rất ít, và loa không thể xuyên vào cabin ô tô được. Còn với người dân đã ở nhà hơn 3 tháng nay thì các nội dung loa phát họ đã thuộc nằm lòng rồi.

Loa này thực ra không dành cho cư dân nhưng lại ở gần khu dân cư. Tâm ước tính chốt cách chân tòa nhà anh đang sống chỉ chừng 50m. Trong thời gian giãn cách, Tâm và các bạn thực hiện các chương trình hòa nhạc trực tuyến nhưng gần đây anh đã phải dừng lại vì quá mệt mỏi, không tập trung mix nhạc được. Anh cho hay người dân đã phản ánh vấn nạn này tới công an- ủy ban xã, huyện nhưng không ăn thua. Chính anh đã từng gọi lên công an huyện và được “an ủi”: “Mong anh thông cảm, cái này là quy định. Chốt huyết mạch, tụi tôi buộc phải tuyên truyền”.

Từ phản ánh của dân qua tổng đài 1022, UBND xã Phước Kiến cũng có công văn đề ngày 12/9 yêu cầu “cảnh sát khu vực tại các chốt khi tuyên truyền về công tác phòng dịch COVID-19 thì mở âm thanh vừa đủ nghe”. Nhưng Tâm cho hay cũng chỉ được một buổi giảm cường độ rồi những hôm sau đâu lại hoàn đấy. Tâm cho đây là dấu hiệu thiếu tôn trọng chỉ đạo của cấp trên. Nhưng thực ra mỗi người có một ngưỡng âm thanh “vừa đủ nghe” khác nhau. Công văn đáng ra phải định lượng được âm thanh để người trực chốt theo đó điều chỉnh.

Cư dân HAGL3 hiện chỉ còn cách tự an ủi nhau trong các nhóm chat riêng. Khu này đương nhiên có trẻ em, người già, người ốm và cả những F0 đang tự điều trị. Tất cả đều không thoát khỏi sự phong tỏa của loa chốt. Một tiếng kêu cứu: “Mấy hôm nay em gặp vấn đề rất lớn về tai. Chỉ cần có âm thanh lọt vào, tai sẽ bị giật giật đau lắm. Em hỏi thật mình có thể góp ý cho người ta không ạ? Em có đơn thuốc luôn đây. Cả ngày tai em giật điên cuồng không nghe thấy gì…”

Tài liệu y khoa khẳng định tiếp xúc kéo dài với âm thanh trên 85 decibel- tương đương tiếng ồn lớn từ lưu lượng giao thông- có thể làm hỏng thính giác vĩnh viễn. Ở môi trường nào ta buộc phải la hét mới nghe được có nghĩa là thính giác đang bị uy hiếp. Trong khi người dân đang phải gánh chịu nhiều vấn nạn do dịch bệnh và giãn cách thời gian dài, lại thêm gánh nặng tiếng ồn. Thật là không đáng.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.