Ngã xe, dựng dậy đi tiếp
5 giờ 30 phút sáng đầu tuần, trời se lạnh, sương mù dày đặc phủ trắng cả một vùng trời miền biên viễn, như đã thành thông lệ, những giáo viên bản Búng, xã Môn Sơn hẹn nhau ở chân cầu Phà Lài. “Thầy cô điểm danh để chúng ta xuất phát nào?”, một giọng nam trầm ấm vang lên. Đó là giọng thầy Nguyễn Thanh Ngọc (SN 1970), trưởng đoàn.
Thầy cô vất vả di chuyển vào bản Búng |
Bước sang năm thứ 24 “cắm bản” gieo chữ, thầy Ngọc được xem là “cây đa, cây đề” nơi miền biên viễn. Đưa mắt nhìn những thành viên trong nhóm như ngầm điểm danh, thấy đã đủ người, đoàn xe nổ máy cài số lên đường. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn theo chân, thầy Ngọc lắc đầu, nói: “Đường đi khó khăn, vất vả lắm, nhất là nhà báo nữ khó mà đi được tới bản”. Nhưng thấy chúng tôi quyết tâm đi bằng được, để yên tâm, thầy Ngọc trực tiếp chở tôi. Vậy là trên chiếc xe máy được quấn thêm lớp xích dài vào lốp để chống trơn, chúng tôi được trải nghiệm con đường “huyền thoại” lên bản Búng dài 20km, tính từ trung tâm xã Môn Sơn. Mất gần 3 giờ đồng hồ leo núi, chạm đất bản Búng. Nhưng đấy là vào mùa khô ráo; còn nếu vào mùa mưa, thì không biết phải mất bao lâu mới tới được bản vùng cao này.
Men theo con đường mòn khúc khuỷu, đất đá lởm chởm, quanh co giữa núi đồi, nhiều đoạn dốc đứng cheo leo, vực thẳm, có đoạn băng qua suối. Những con đường mòn đó dường như không phải là đường, mà chỉ bằng kinh nghiệm, trí nhớ của những người đã từng tới bản dẫn đi. “Trước đây đường đi bản Búng còn khó khăn hơn nhiều. Để đi vào, chúng tôi phải lần đường dọc theo bờ suối, vừa đi vừa cầm dao phát cỏ, tìm những vết tích đánh dấu của dân bản để bám theo. Tôi nhớ lần ấy, chúng tôi mất gần hai ngày mới tới được bản. Giờ đây đã có đường mòn nhìn rõ như thế này là tốt lắm rồi”, thầy Ngọc chia sẻ. Và chỉ vài phút leo lên những dốc cao rồi đổ đèo xuống lòng thung, chiếc xe chúng tôi lao theo con đường nhỏ rộng khoảng một mét, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm khiến ai cũng phải thót tim. “Nhà báo cứ yên tâm, những con đường thế này tôi đã đi nhiều năm nên tay lái rất chắc”, thầy Ngọc động viên.
Vết tích của trận mưa đêm trước khiến con đường vào bản Búng khá nhiều điểm sạt lở, đất đá tràn ngập lối đi; một số đoạn phải lội suối, nước cao ngang đầu gối, khiến đoàn di chuyển khó khăn hơn. Cứ đi khoảng 30 phút, chúng tôi lại nghỉ dọc đường để các “tài xế” tranh thủ uống ngụm nước rồi lại tiếp tục hành trình. “Trước đây, đường đi lại khó khăn, các thầy cô chỉ có lội suối để vào. Giờ có đường, có cầu thì đỡ vất vả hơn, tuy nhiên mỗi lần trời mưa, sình lầy, trơn trượt, sạt lở thì gần như không thể đi được, các cô vào bị ngã xe liên tục. Có cô giờ trên người chi chít các vết sẹo sau nhiều vụ té xe. Nhưng rồi đi mãi cũng thành quen. Ngã xe, dựng dậy đi tiếp, tất cả vì tương lai của các em”, thầy Ngọc chia sẻ.
Cõng xe, lội suối
Một trong những “cửa ải” khó khăn, nhất là những giáo viên nữ là vượt qua con sông Giăng. Mùa mưa lũ, nước dâng cao, thầy cô phải ngồi thuyền đi vào trường. Còn những hôm trời nắng ráo, nước đến ngang bụng, cách duy nhất là khiêng xe lội qua. Sau khi dắt các giáo viên nữ qua sông, các thầy sẽ chặt cây làm đòn khiêng. Lột hết quần áo dài, cứ bốn thầy một xe vật lộn với dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy. Chiếc xe đầu tiên, rồi xe thứ 2, thứ 3... được các thầy nhọc nhằn đưa qua. Đang khiêng chiếc xe cuối cùng thì có hai thầy bị trượt chân té ngã suýt bị nước cuốn.
Lần này, chúng tôi quyết tâm lên thăm các thầy cô giáo tại điểm trường lẻ bản Búng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An). Trên đỉnh núi cao lạnh giá, bản làng nằm heo hút giữa núi rừng đang bừng sáng lên bởi những giáo viên ngày đêm “cắm bản” gieo chữ, đem ánh sáng tri thức đến cho con em tộc người Đan Lai.
Tôi và những người đứng trên bờ sợ đến thót tim. Có thầy giáo trẻ dũng cảm lao ra giữa dòng, người trên bờ giữ chắc con sào bằng gỗ, một tay bám chặt lấy gốc cây mới kéo người dưới nước lên được. Sau gần 30 phút vật lộn, cuối cùng những chiếc xe cũng được đưa qua suối an toàn. Cô Vi Thị Phương Thảo, một giáo viên trong đoàn nói như độc thoại: “Con đường đến lớp của giáo viên cắm bản là thế đó…”. Qua con suối dữ, sáu giáo viên của điểm trường lẻ bản Búng rẽ phải đi xuống một con dốc trơn trợt, đá tai mèo lởm chởm. Cuộc hành trình tiếp tục.
Để dạy học tại các bản làng thuộc trường Tiểu học 2 Môn Sơn, ngoài công việc chuyên môn, các thầy cô giáo nơi đây còn phải “bốn cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng của đồng bào với bà con và học sinh. Hơn 8 năm cắm bản Búng, cô giáo Thảo còn nhớ rõ kỷ niệm đi “bắt” học sinh đến lớp. Đó là những ngày đầu nhận lớp, các em có vẻ hào hứng, nhưng chỉ một thời gian ngắn là học trò bỏ học gần hết. Lớp học được 12 em thì đã có 10 em bỏ học theo cha mẹ đi kiếm cái ăn trên rẫy, trên rừng.
Bằng mọi giá không để học sinh bỏ học, cô cùng một đồng nghiệp quyết định băng rừng, vượt suối vào bản “bắt” học sinh về. Sau hai ngày lặn lội “bốn cùng” với các em học sinh và dân bản, cô đã đưa toàn bộ học trò về lại trường. “Khi chúng tôi vào vận động, bị bố mẹ các em phản đối nhiều lắm. Vậy là chúng tôi phải vận dụng hết vốn liếng tiếng dân tộc của mình để giải thích cho họ nhận ra ý nghĩa của việc cho con cái đến lớp học chữ. Giờ học sinh ở đây đã quen việc đến trường mỗi ngày, đó cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của giáo viên cắm bản chúng tôi”, cô Thảo mỉm cười.
Khi mặt trời lên giữa đỉnh đầu, bản Búng mới lộ diện sau ngọn núi mờ sương. Xung quanh là những nóc nhà đã cũ bao bọc lấy điểm trường. Nụ cười tươi của bà con dân tộc Đan Lai với những cái vẫy tay chào thiện cảm khiến chúng tôi quên đi bao mệt nhọc, khó khăn. Trưởng bản Búng La Văn Chín cứ nắm chặt tay: “Đường xa xôi, cách trở thế mà mọi người vào được tới bản, bà con chúng tôi quý lắm”.