Sẻ chia cùng giáo viên cắm bản

“Chia sẻ cùng thầy cô 2015” hướng về giáo viên vùng cao (Trong ảnh là cô giáo Hoàng Thị Lợi, SN 1987, dạy các em trong dãy nhà trình tường cũ tại điểm Trường Tiểu học Sán Cố Sủ, xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần, Hà Giang). Ảnh: Xuân Tùng.
“Chia sẻ cùng thầy cô 2015” hướng về giáo viên vùng cao (Trong ảnh là cô giáo Hoàng Thị Lợi, SN 1987, dạy các em trong dãy nhà trình tường cũ tại điểm Trường Tiểu học Sán Cố Sủ, xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần, Hà Giang). Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Ngày 9/9, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long phát động chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2015”, hướng về giáo viên vùng cao, đặc biệt những thầy cô đang ngày đêm cắm bản gieo chữ.

Theo TS Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), trong năm học 2015-2016, cả nước có gần 15 triệu học sinh đến trường. Góp phần vào sự thành công của ngành giáo dục có đóng góp không nhỏ của đội ngũ giáo viên, nhất là những người thầy người cô dạy học tại các điểm trường tại các thôn bản vùng cao mà mọi người thường gọi “giáo viên cắm bản”.

Từng đến với những điểm trường tại các thôn bản vùng cao, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long cho hay, phần đông “giáo viên cắm bản” có độ tuổi thanh niên với nhiều mơ ước, nhu cầu, nhưng vì công việc, vì học sinh mà tạm gác lại ước muốn của bản thân để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Để gieo chữ cho học sinh, họ ngược núi vào những bản làng nghèo khó, cách trở giao thông, thông tin liên lạc; sống và giảng dạy trong những khu nhà tạm là tranh tre vách nứa... thậm chí nhường cơm sẻ áo, làm những công việc đưa đón, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho học sinh. “Nếu không có tình yêu thương học sinh, tận tâm với nghề thì những thầy giáo cô giáo, nhất là những người giảng dạy ở các điểm bản khó có thể vượt qua khó khăn trong sự nghiệp trồng người”, anh Long nói.

Trong năm đầu tiên, chương trình hướng về đội ngũ giáo viên tại các điểm trường thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước. Theo anh Nguyễn Phi Long, chương trình có tên “chia sẻ” chứ không phải “tuyên dương” vì tất cả các giáo viên tận tâm với nghề, với học sinh đều xứng đáng được tuyên dương. “Chương trình là sự cổ vũ, động viên và tri ân thầy giáo, cô giáo xung kích, tình nguyện công tác tại vùng khó, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, anh Nguyễn Phi Long nói.

Để đảm bảo tính công bằng, khách quan, chương trình sẽ được tuyên truyền sâu rộng đến các Sở, Phòng GD&ĐT và Hội LHTN các cấp để giới thiệu, gửi hồ sơ tấm gương tiêu biểu về cho Ban tổ chức. Mỗi huyện sẽ chọn một thầy giáo hoặc cô giáo tiêu biểu là gương sáng về đạo đức, lối sống; có thành tích trong việc thu hút học sinh con em dân tộc tới trường; có nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy, chăm lo cho học sinh được đoàn thể, chính quyền, ngành Giáo dục và nhân dân địa phương ghi nhận; có ít nhất 3 năm giảng dạy tại các điểm trường. Ngoài ra, theo anh Nguyễn Phi Long, các phóng viên nếu phát hiện ra những tấm gương, hoàn cảnh của các giáo viên cắm bản tại 62 huyện miền núi cũng có thể giới thiệu và gửi hồ sơ về cho Ban tổ chức.

Sẻ chia cùng giáo viên cắm bản ảnh 1

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” giai đoạn 2015-2019 tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng.

Hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực

Tại chương trình, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long ký kết Thỏa thuận hợp tác tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô giai đoạn 2015 – 2019”. Theo đó, chương trình tuyên dương các thầy giáo, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học; công dân Việt Nam có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long sẽ quyết định lựa chọn lĩnh vực và đối tượng để tuyên dương.

Theo TS Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long, “Chia sẻ cùng thầy cô” không chỉ dừng lại ở việc tuyên dương mà cần phải hiểu được những khó khăn của đội ngũ giáo viên và có những hành động hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực. Tập đoàn Thiên Long có kế hoạch ngân sách và các hoạt động gắn với chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. “Tùy theo yêu cầu phát triển của đất nước, yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục mỗi năm, chúng tôi sẽ cân nhắc, tính toán làm sao cho liệu cơm gắp mắm, nhưng đảm bảo phải no”, ông Thành Nghĩa nói.

Anh Nguyễn Phi Long cho biết, với “Chia sẻ cùng thầy cô”, Ban tổ chức mong muốn kêu gọi xã hội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ đội ngũ giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đồng thời, khơi dậy tinh thần xung kích, trách nhiệm của xã hội, đặc biệt là đoàn viên, hội viên, thanh niên gắn với phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” để động viên lòng yêu nước thông qua hành động cụ thể đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.

Lễ tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2015” dự kiến diễn vào ngày 12/11/2015, tại Hà Nội với nhiều hoạt động ý nghĩa. Các giáo viên được tuyên dương được nhận Bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam, kỷ niệm chương của chương trình và một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Hồ sơ tham gia Chương trình “Chia sẻ với thầy cô năm 2015” gửi về địa chỉ: Cổng tri thức Thánh Gióng, 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội (trước ngày 25/10/2015).

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.