Giảm tải

Giảm tải
TP - Rốt cuộc phương án giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên cũng được ngành y tế TPHCM triển khai bằng cách biệt phái 59 bác sĩ giỏi chuyên môn ở 17 bệnh viện tuyến thành phố xuống hỗ trợ cho 12 bệnh viện ở quận huyện trong vòng một năm.

Dù hơi muộn cho việc xây dựng thương hieu ở các bệnh viện tuyến dưới nhưng cách làm này xem ra hợp tình hợp lý hơn cả. Bởi ít ra nó chẳng tiêu tốn ngân sách đồng nào so với việc phải xoay xở để có hàng nghìn tỷ đồng cho đền bù giải tỏa, xây mới 5 bệnh viện cửa ngõ ở thành phố mà đến nay vẫn còn giậm chân tại chỗ.

Khi các dự án bệnh viện cửa ngõ được cho sẽ tạo thêm hơn 5.000 giường bệnh vẫn còn bất động thì cách làm này, theo ông Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM là phương án tối ưu và chắc chắn mang lại hiệu quả.

Ông Thanh nói có cơ sở, bởi tổng kết 2 đợt đưa 70 bác sĩ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới của ngành y tế TPHCM vào năm 2011 cho thấy những kết quả khả quan.

Tại 4 bệnh viện được hỗ trợ gồm: huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh và quận Bình Tân, thì việc khám chữa bệnh ở những bệnh viện tuyến dưới này tăng lên 30%, trong khi tỷ lệ chuyển viện giảm 17%.

Sự tăng giảm này dù chưa nói lên được tất cả, nhưng với nhiều bác sĩ công tác ở tuyến dưới thì đó là chuyện phải thế. Bởi, lâu nay, “cái mác” của bệnh viện tuyến trên rất lớn, bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên cũng được bệnh nhân tin gửi nên dù chỉ có nhức đầu, chóng mặt… bệnh nhân cũng sẵn sàng vượt tuyến.

Nhưng theo cách lý giải của PGS - TS Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hội phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM, vấn đề là lâu nay chúng ta “quên” xây dựng y hiệu, lòng tin của bệnh nhân vào bệnh viện tuyến dưới nên mới xảy ra tình trạng “trên chật dưới thưa” như vậy.

Người được cho có nhiều đề xuất cho vấn nạn giảm tải hiện nay, nói rằng: “Người bệnh chỉ tin vào các bệnh viện lớn, đã có thương hiệu…và việc này có sự góp phần của lực lượng truyền thông”.

Ông nói, nhiều khi do thiếu thông tin hay vì một lý do nào khác mà những gương người tốt trong ngành y, những ca điều trị bệnh thành công của bệnh viện tuyến dưới thường không được nói tới, có chăng chỉ là những trường hợp tai biến, những việc đau lòng khiến cho bệnh nhân chối bỏ tuyến khám và điều trị bên dưới mà ào ào đổ lên thành phố.

Theo khảo sát của Sở Y tế TPHCM, một nghịch lý hiện nay là các bệnh viện khu vực hay bệnh viện quận huyện, thậm chí phần lớn các bệnh viện tư nhân đang có hiện nay đều trong tình trạng vắng bệnh nhân, công suất nằm bệnh viện chỉ vào khoảng 40-50%.

Có những bệnh viện gần như ngồi chơi xơi nước, có nơi máy móc trùm mền. Trong khi đó, các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện chuyên khoa và một số bệnh viện vốn đã có thương hiệu từ lâu lại quá tải do người bệnh đổ về.

Họ chấp nhận vật vờ ngồi đợi, chen chúc nhau 3-4 người trên một giường bệnh, có khi chỉ để khám hoặc làm vài ba xét nghiệm thông thường, vốn tuyến dưới làm một cách dễ dàng.

Liệu nghịch lý này có được khắc phục trong tương lai hay không khi những bác sĩ tuyến thành phố mang theo y hiệu của những bệnh viện có tiếng về quận huyện để níu kéo người bệnh đang quay lưng để đổ xô lên tuyến trên như hiện nay?!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.