Giám sát để thiết lập vành đai an toàn thực phẩm TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quá trình giám sát nhằm góp phần đảm bảo sức khỏe cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn thành phố và nhằm để TPHCM thiết lập được vành đai an toàn thực phẩm.

Sáng 14/8, HĐND TPHCM đã có buổi giám sát công tác an toàn thực phẩm tại Công ty Kim May Organ (quận 7).

Đại diện Công ty Kim May Organ cho biết, công ty phục vụ hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày, chia thành nhiều ca. Thực đơn bữa ăn đảm bảo đa dạng các món, được xây dựng dựa trên nhu cầu năng lượng khuyến nghị của người Việt Nam, bữa ăn đáp ứng từ 35 – 40% nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày. Thực đơn được công khai hằng ngày trên website nội bộ để mọi người cùng theo dõi.

Đơn vị trang bị đầy đủ các thiết bị và vật dụng cần thiết để đảm bảo hoạt động bếp ăn được hiệu quả, đảm bảo an toàn. Bộ phận cấp dưỡng gồm 24 nhân viên, đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định.

Giám sát để thiết lập vành đai an toàn thực phẩm TPHCM ảnh 1

Đại diện doanh nghiệp thông tin công tác chăm lo bữa ăn cho người lao động. Ảnh: Ngô Tùng

Các bếp ăn đều tuân thủ các bước về cung cấp suất ăn, trong đó bước cuối người cấp dưỡng chính sẽ kiểm tra phần ăn trước khi đưa đến người lao động. Thực phẩm đều được mua hằng ngày là thực phẩm tươi sống dùng trong ngày, không để qua đêm, đảm bảo lưu mẫu thực phẩm khi chế biến thực phẩm.

Doanh nghiệp này cũng cho hay, mỗi khẩu phần của nhân viên có giá bình quân khoảng 24.000 đồng, tăng 5.000 đồng mỗi khẩu phần so với năm 2023.

Bà Vũ Cao Quế Dung – Trưởng bộ phận quản lý kinh doanh Công ty Kim May Organ cho biết, các bếp ăn của 5 nhà máy được vận hành theo hình thức như một công ty thực phẩm chuyên cung cấp suất ăn cho người lao động và người lao động trở thành khách hàng đối với bộ phận cấp dưỡng.

Cũng theo bà Dung, công ty đặc biệt chú trọng đến thực lực của nhà cung cấp nguyên liệu suất ăn, đồng thời có bộ phận kiểm nhận với những tiêu chuẩn rõ ràng.

Giám sát để thiết lập vành đai an toàn thực phẩm TPHCM ảnh 2

Thành viên đoàn giám sát trao đổi tại buổi làm việc.

Bà Trần Thị Tuyết Hồng – Phó chánh Văn phòng HĐND TPHCM đề nghị, công ty cần chuẩn bị phương án diễn tập bởi lượng công nhân trong khu chế xuất, khu công nghiệp rất lớn. Ngoài tập huấn, hướng dẫn về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng còn cần khám sức khỏe cho công nhân.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM cho rằng, chất lượng bữa ăn ở các khu công nghiệp hiện nay đã được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên Công đoàn Ban Quản lý các khu công nghiệp, chế xuất TPHCM (Hepza) cũng cần giới thiệu một vài doanh nghiệp chú ý đến bữa ăn cho phụ nữ mang thai, phụ nữ có con nhỏ, có thể tăng chất lượng bữa ăn đối với những người này. Ông Bình cũng đề nghị có giải pháp để doanh nghiệp hỗ trợ, tiến tới không còn suất ăn dưới 20.000 đồng với mục tiêu đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân.

Quản lý, giám sát nguồn vào, nguồn ra tại chợ đầu mối

Giám sát để thiết lập vành đai an toàn thực phẩm TPHCM ảnh 3

Ông Cao Thanh Bình kết luận buổi giám sát.

Theo ông Cao Thanh Bình, quá trình giám sát nhằm góp phần đảm bảo sức khỏe cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn thành phố và nhằm để TPHCM thiết lập được vành đai an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ và tạo điều kiện, hướng dẫn để các doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ.

Cũng theo ông Bình, 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đã chiếm khoảng 70% lượng lương thực, thực phẩm cung ứng cho TPHCM. Do vậy, việc quản lý, giám sát nguồn vào, nguồn ra nếu được quản lý tốt thì “đỡ lực” rất nhiều cho các điểm bán hàng, chợ nhỏ lẻ và các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đến các chợ đầu mối này đặt hàng, cung ứng.

“Các doanh nghiệp đều thực hiện cung ứng bữa ăn cho người lao động theo một quy trình khép kín và đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, mức độ an toàn thì cơ quan quản lý sẽ an tâm và khi đó người lao động sẽ được đảm bảo sức khỏe và có năng suất lao động tốt nhất”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cũng đánh giá cao vai trò của Hepza trong quản lý 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với hơn 252.000 người lao động đang làm việc. Trên cơ sở đó, ông lưu ý các đơn vị cần chú trọng đến quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động hài hòa, tạo cơ sở pháp lý như một cẩm nang để các đơn vị rõ hơn về trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Giám sát để thiết lập vành đai an toàn thực phẩm TPHCM ảnh 4

Thành viên HĐND TPHCM kiểm tra bữa ăn công nhân. Mỗi phần ăn này có giá trị 24.000 đồng, chưa kể chi phí chế biến, vận hành

Giám sát để thiết lập vành đai an toàn thực phẩm TPHCM ảnh 5

Thực phẩm được chế biến và sử dụng mới mỗi ngày, đảm bảo chế độ lưu mẫu theo quy định.

Giám sát để thiết lập vành đai an toàn thực phẩm TPHCM ảnh 6

Nhân viên nhận suất ăn trưa sau ca làm.

Giám sát để thiết lập vành đai an toàn thực phẩm TPHCM ảnh 7

Đoàn giám sát cùng ăn trưa với công nhân.

Giám sát để thiết lập vành đai an toàn thực phẩm TPHCM ảnh 8

Trải qua 14 năm làm việc tại công ty, anh Cao Minh Luân (quê Kiên Giang) đánh giá bữa ăn đảm bảo vừa miệng, chất lượng. Chất lượng bữa ăn đã được cải thiện nhiều so với trước. “Khẩu phần thay đổi hằng tuần, phần ăn đối với một người nhân viên vậy là quá tốt rồi”, anh nói.

MỚI - NÓNG