Trước khi về Việt Nam thăm gia đình, ông N.N.Y. (64 tuổi), việt Kiều Mỹ, có cảm giác hụt hơi khi đi bộ và đi xe đạp. Ông đã đến một bệnh viện ở Mỹ thăm khám thì được kết luận sức khỏe tim mạch bình thường, triệu chứng hụt hơi có thể liên quan hậu COVID-19.
Hình ảnh chụp CT Photon phát hiện bệnh nhân bị tắc nghẽn 2 nhánh mạch vành (vị trí mũi tên) |
Sau khi về Việt Nam thăm gia đình, ông Y. xuất hiện triệu chứng liệt mặt. Đi khám tại bệnh viện ở Đồng Tháp, ông được chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7. Không an tâm với tình trạng sức khỏe của mình, trước khi lên máy bay trở về Mỹ, ông Y. đã đến Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ kiểm tra. Qua thăm khám và kết hợp cận lâm sàng, bác sĩ ghi nhận ông Y. bị nhồi máu cơ tim cấp với men tim tăng, hình ảnh trên CT Photon cho thấy tắc nghẽn hai nhánh mạch vành.
BS. CKI Nguyễn Đức Chỉnh – Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa S.I.S cho biết: “Sau khoảng 60 phút can thiệp, chúng tôi đã đặt thành công stent ở hai vị trí mạch vành đang bị hẹp nặng và tắc, giúp tái thông hoàn toàn mạch máu nuôi tim. Bệnh nhân đã may mắn khi được phát hiện nhồi máu cơ tim và xử lý triệt để. Nếu không được can thiệp, khi bệnh nhân bay một chuyến dài về Mỹ thì nguy cơ đột tử hoặc rối loạn nhịp trong lúc đi máy bay sẽ rất cao”. Dự kiến sau 1 tháng can thiệp ông Y. sẽ được đánh giá và kiểm tra để đảm bảo sức khỏe an toàn với chuyến bay dài quay trở lại Mỹ.
Sau can thiệp, sức khỏe của người đàn ông Việt kiều Mỹ đang bình phục tốt |
Theo BS.Chỉnh, những xét nghiệm thông thường như điện tim, siêu âm… rất khó phát hiện được tình trạng bệnh mạch vành khi triệu chứng chưa có biểu hiện nặng. Những triệu chứng tương đối mơ hồ như giảm khả năng gắng sức, “hụt hơi” rất dễ bị bỏ qua trong quá trình thăm khám.
Cũng theo BS.Chỉnh, hiện nay phương pháp chụp CT Photon giúp bác sĩ có thể phát hiện sớm bệnh động mạch vành ở bệnh nhân, giảm được rủi ro dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp có thể gây đột tử mà không có triệu chứng báo trước.