Ngày 7/8, BS. Ngô Minh Tuấn, Trưởng Đơn vị Can thiệp Mạch máu tạng - ngoại biên, Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp rất đặc biệt. Bệnh nhân là bà D.T.C. (80 tuổi, quốc tịch Mỹ gốc Việt Nam). Theo bệnh sử, bà C. bị tiểu đường đã điều trị ở Mỹ nhưng tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng khiến bàn chân phải của bà bị hoại tử.
Theo chị N.T.P., người thân của bệnh nhân, bà C. bị tiểu đường, tăng huyết áp đã nhiều năm. Gần đây, bà bị đau và sưng 2 bên chân, nên được điều trị tại Mỹ. Sau hơn 10 ngày điều trị, bác sĩ thông báo sẽ phải đoạn chi của người bệnh.
Bàn chân trái bị hoại tử cùng hình ảnh mạch máu người bệnh trước và sau can thiệp |
Sau khi tìm hiểu thông tin y tế tại Việt Nam, gia đình đã quyết định đưa bà về nước điều trị tại Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ. Thời điểm nhập viện, bác sĩ ghi nhận, bàn chân trái của người bệnh đã bị hoại tử chuyển sang màu đen, chảy mủ hôi thối, nguy cơ nhiễm trùng huyết gây tử vong.
BS.Ngô Minh Tuấn cho biết, đây là trường hợp điển hình của biến chứng “bàn chân tiểu đường” sau khi bị tiểu đường nhiều năm nhất là trong trường hợp đường huyết khó kiểm soát, lớn tuổi, nguy cơ biến chứng tổn thương mạch máu phải đoạn chi rất cao. Với sự hỗ trợ của công nghệ chẩn đoán và can thiệp mạch máu, bệnh nhân đã được nong, tái thông động mạch ngoại biên bị tắc.
Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe của người bệnh đã bình phục tốt |
Tuy nhiên, một phần cẳng chân trái của người bệnh đã bị hoại tử không còn khả năng điều trị bảo tồn. Để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng đe dọa tính mạng người bệnh, các bác sĩ đã phẫu thuật đoạn 1/3 cẳng chân trái của bệnh nhân. Sau gần hai tuần được điều trị tích cực, người bệnh đã hồi phục.
Theo BS.Ngô Minh Tuấn, các bệnh lý động mạch ngoại biên có 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là tắc cấp tính, người bệnh sẽ cảm thấy đột ngột đau, lạnh, tím tái, tê tay chân; nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ đoạn chi sẽ rất cao. Nhóm thứ hai là tắc mạch máu mạn tính ở những người bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu với biểu hiện đau khi vận động. Do đó người bị bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt chỉ số đường huyết và đến bệnh viện kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường.