Trẻ sơ sinh bỏ bú quấy khóc coi chừng mắc bệnh lý nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bỏ bú, quấy khóc là tình trạng thường gặp ở trẻ. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang đối mặt với bệnh lý nguy hiểm, cha mẹ cần cảnh giác và đưa con đến bệnh viện thăm khám.

Ngày 6/8, thông tin từ TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi sơ sinh là bé gái 9 ngày tuổi bị xoắn ruột non với những triệu chứng rất khó phát hiện.

Theo bệnh sử, 2 ngày trước khi nhập viện, trẻ bú ít, quấy khóc nhiều lần trong ngày. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bụng bệnh nhi bị trướng nhẹ, rên rỉ, lừ đừ. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bé bị xoắn ruột do ruột xoay bất toàn. Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Trẻ sơ sinh bỏ bú quấy khóc coi chừng mắc bệnh lý nguy hiểm ảnh 1

Phát hiện sớm tình trạng tắc ruột và can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ tránh được biến chứng nguy hiểm (ảnh minh họa)

Sau hơn 1 giờ khẩn trương trong phòng mổ, ê kíp bác sĩ liên chuyên khoa đã tháo xoắn các quai ruột, mở rộng chân mạc treo, cắt dây chằng Ladd.

“Rất may mắn vì bệnh nhi được chẩn đoán và xử trí kịp thời khi ruột chưa bị hoại tử nên không phải cắt nối ruột. Nếu bỏ qua “thời gian vàng” ruột có nguy cơ bị hoại tử phải cắt bỏ, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ, thậm chí nguy cơ tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc” – TS.BS Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.

Phân tích của TS.BS Phạm Ngọc Thạch chỉ ra, xoắn ruột có nhiều nguyên nhân nhưng xoắn ruột do ruột xoay bất toàn là một bệnh lý bẩm sinh ở trẻ (tỷ lệ 1/6000). Khi còn là bào thai, ruột của em bé chưa xoay về đúng vị trí, có thể xoay giữa chừng rồi ngưng làm ruột xoắn dính, gây tắc ruột.

Bệnh rất khó phát hiện ở trẻ sơ sinh do biểu hiện của bệnh khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với việc nôn trớ thông thường nên trẻ thường nhập viện trễ. Nhiều trường hợp không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng xoắn ruột sẽ dẫn đến suy kiệt, sụt cân, mất nước, thậm chí suy gan và thận, nếu để lâu ruột sẽ bị xoắn dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng, phải cắt bỏ ruột, nguy hiểm tính mạng.

Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị hơn 60 trường hợp trẻ sơ sinh có tình trạng cấp cứu bụng ngoại khoa từ các bệnh viện sản và các bệnh viện tuyến dưới chuyển đến. Số ca xoắn ruột cần can thiệp phẫu thuật chiếm tỷ lệ gần 30%. Trong đó số ca xoắn ruột gây hoại tử ruột cần phải cắt bỏ ruột chiếm 60-80%, do đa phần bệnh nhân nhập viện trễ quá “thời gian vàng” để cứu ruột.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, trẻ bị xoắn ruột thường có các biểu hiện trướng bụng, khóc thét lên từng cơn, quấy khóc nhiều mà không dỗ được, trẻ bỏ bú hoặc bú kém, trẻ nôn ra dịch màu xanh hoặc vàng, đại tiện ra máu lẫn chất nhầy màu đỏ hoặc màu nâu, đen. Khi thấy trẻ có các biểu hiện trên gia đình cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý chữa trị cho trẻ.

MỚI - NÓNG