Trường tự chủ tài chính nhưng có tiền... vẫn không tiêu được

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiện nay nhiều trường gặp tình trạng “có tiền nhưng việc đầu tư rất khó khăn”. Chẳng hạn, các vấn đề liên quan phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, liên quan đánh giá tác động môi trường, liên quan đến đầu tư đều gặp rất nhiều khó khăn.

Thực trạng trên được PGS.TS Phạm Tiến Đạt nêu tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM, triển khai nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm, ngày 13/8.

Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi – Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM.

Góp ý xây dựng cơ chế nhà trường gắn với doanh nghiệp, PGS.TS Phạm Tiến Đạt – Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính – Marketing cho rằng, điểm quan trọng đã được các nước trên thế giới áp dụng là thành lập các doanh nghiệp ngay trong trường. Tuy nhiên, theo ông, việc này đang vướng rất nhiều, nhất là liên quan đến vốn đầu tư của nhà nước.

Ngay tại Trường đại học Tài chính – Marketing, với các ngành kiểm toán, thẩm định giá, nếu muốn thành lập các doanh nghiệp thì vướng ở chỗ mang vốn ra đầu tư như thế nào trong việc hình thành nên công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần. “Tôi xin đề xuất nên có quỹ đầu tư kinh phí sự nghiệp, đặc biệt với các trường tự chủ chi đầu tư chi thường xuyên”, ông nói.

Trường tự chủ tài chính nhưng có tiền... vẫn không tiêu được ảnh 1

PGS.TS Phạm Tiến Đạt chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: Ngô Tùng

Vị này cũng cho rằng cần có cơ chế đặc thù về liên doanh, liên kết giữa các trường đại học với các đơn vị ở ngoài; liên kết các trường đại học quốc tế trở thành nơi thu hút nguồn nhân lực quốc tế về đây học tập. Muốn vậy, các trường phải có các hub với mô hình giống như các trường ở nước ngoài và khi đó phải có cơ chế về liên doanh, liên kết rõ ràng.

PGS.TS Phạm Tiến Đạt cũng kiến nghị TPHCM quan tâm giúp các trường đẩy nhanh thủ tục liên quan vấn đề đầu tư cơ sở vật chất. Bởi hiện nay nhiều trường gặp tình trạng “có tiền nhưng việc đầu tư rất khó khăn”. Chẳng hạn, các vấn đề liên quan phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, liên quan đánh giá tác động môi trường, liên quan đến đầu tư đều rất khó khăn.

“Trường tôi nhận một cơ sở ở phường Long Trường (TP.Thủ Đức) với 8ha, đầu tư hết rồi nhưng tuyến đường đi vào trường hiện rất vướng. Chỉ là một cái ngõ 3,5m, nhà trường sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư con hẻm đi vào này nhưng cơ chế không cho phép”, ông Đạt nêu thực tế.

Cũng theo vị hiệu trưởng, với diện tích đất lớn, nhà trường mong muốn đầu tư xây dựng thêm các giảng đường, các nhà thi đấu đa năng thì cũng phải đợi do liên quan đến quy hoạch 1/2.000 của thành phố.

Trường tự chủ tài chính nhưng có tiền... vẫn không tiêu được ảnh 2

Quang cảnh buổi làm việc.

Trao đổi lại, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị nhà trường có vướng mắc, khó khăn tương tự như Trường Đại học Tài chính - Marketing thì gửi thông tin về Văn phòng UBND thành phố tổng hợp trình lãnh đạo chỉ đạo giải quyết. Riêng trường hợp này, UBND TPHCM sẽ có trao đổi với TP.Thủ Đức để giải quyết sớm.

Về hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở GD&ĐT cùng Sở Nội vụ trao đổi với Chủ tịch Hội đồng các khối ngành để rà soát phân công một sở của thành phố sẽ tham gia với vai trò thường trực trong các hội đồng khối ngành nhằm tạo điều kiện cho hội đồng hoạt động, gắn kết với định hướng, chiến lược, kế hoạch của thành phố và giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Trường tự chủ tài chính nhưng có tiền... vẫn không tiêu được ảnh 3

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng

Chia sẻ việc TPHCM đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai quy hoạch TPHCM và quy hoạch chung thành phố, ông Mãi đề nghị Hội đồng Hiệu trưởng thành phố cùng các sở ngành nghiên cứu để đề xuất những vấn đề cụ thể thành phố trong thực hiện tổ chức quy hoạch của thành phố nhằm phát huy trí tuệ, nguồn lực của các đại học cho sự phát triển của thành phố.

Trao đổi xoay quanh các cơ chế, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng trước mắt cần vận dụng các cơ sở pháp lý hiện có, trong đó vận dụng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị để áp dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội, Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định 84 của Chính phủ để triển khai.

Về đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, với việc TPHCM đã có sản phẩm của 5 đề án, ông Mãi đề nghị chuyển ngay thành kế hoạch thực hiện với sự tham gia cụ thể của các thành viên, các trường đại học.

Tăng chi ngân sách cho hoạt động GD&ĐT

Tại hội nghị, TS Cao Vũ Minh – Trưởng bộ môn Luật Hiến pháp – Hành chính, Trường Đại học Kinh tế – Luật (ĐHQG TPHCM) cho biết, theo Luật Giáo dục 2019, Nhà nước ưu tiên đảm bảo ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế trong suốt 20 năm, mức chi tối thiểu 20% này cũng là mức chi tối đa. Theo ông, qua khảo sát, mức ngân sách của Trung ương và địa phương chi cho GD&ĐT cũng chỉ dừng ở mức tối đa 21%.

“Với độ trượt giá, sự phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ, sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 thì mức chi 20% như trên là không tăng mà có phần giậm chân khi so sánh với các quốc gia khác”, TS Minh đánh giá và đề nghị có cơ chế mang tính chất trao quyền hoặc quy định cụ thể hơn trên cơ sở mức tăng chi ngân sách cho hoạt động GD&ĐT.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.