Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk: Sai, do không được tham mưu tốt!

Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - bác sĩ Doãn Hữu Long.
Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - bác sĩ Doãn Hữu Long.
TP - Sau khi báo Tiền Phong ngày 21/9/2015 đăng bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm - Nhóm lợi ích thao túng”, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi hưởng ứng tích cực từ độc giả.

Đầu buổi chiều ngày 21/9, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - bác sĩ Doãn Hữu Long đã tiếp đại diện báo Tiền Phong. Sau đây là nội dung lược trích của cuộc làm việc.

Thưa bác sĩ, là người chịu trách nhiệm chính về cuộc đấu thầu dược phẩm mới đây do Sở Y tế Đắk Lắk làm chủ đầu tư, ông nghĩ gì sau khi đọc bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm-Nhóm lợi ích thao túng”, vừa đăng trên báo Tiền Phong?

Tôi công nhận cuộc đấu thầu mới đây có những sai sót khách quan, chủ quan, và sai từ phía các bộ phận tham mưu. Sau đấu thầu, Sở đã nhận thấy, đã họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhiều vấn đề, để lần đấu thầu sau thực hiện tốt hơn.

Một số nhà thầu đã nhiều lần góp ý trực tiếp và gửi công văn cho Sở, nhưng Sở không nghe, ví dụ về việc buộc họ nộp tiền mặt bảo lãnh dự thầu trái quy định?

Tôi mới lên, vẫn phải tranh thủ ý kiến tập thể về nhiều vấn đề trong công tác. Về bảo lãnh dự thầu, các tổ chuyên môn giúp việc cho biết có đến 80% bảo lãnh ngân hàng không chuẩn, nếu không buộc đặt cọc bằng tiền mặt, lỡ trúng thầu rồi họ bỏ, không cung ứng thuốc thì sao? Luật quy định chủ đầu tư được lựa chọn - chứ không phải nhà thầu được lựa chọn - 1 trong 3 hình thức bảo lãnh dự thầu, nên tôi khẳng định việc này Sở không sai! 

Vậy công văn khẩn số 17128 mà Cục Quản lý Dược ký ngày 6/10/2014 gửi cho các đơn vị trực thuộc là sai hay sao, thưa ông?

Tôi không biết có công văn nào của Cục Quản lý Dược trong việc này cả!

Công văn số 17128 đóng dấu khẩn, có gửi Sở Y tế Đắk Lắk, nhắc lại từ năm 2010 Bộ KH-ĐT đã hướng dẫn các hình thức bảo đảm dự thầu tùy quy mô, tính chất mà nhà thầu có thể đặt cọc, ký quỹ, dùng bảo lãnh thư của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Việc các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải đặt cọc là không phù hợp, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, giảm tính cạnh tranh trong gói thầu. Phải chăng phòng ban nào đó của Sở đã nhận được nhưng không trình cho giám đốc biết?

Tôi khẳng định là tôi không nhận được công văn, cũng không biết gì về thông tin này! Nếu nhận được, có hướng dẫn cụ thể thì tôi không bao giờ làm trái!

Ông có biết Sở Y tế không được phép mở tài khoản riêng để nhận các khoản tiền bảo lãnh dự thầu không?

Trong cuộc họp, tôi đã chất vấn về cách làm này, anh em trả lời không thuyết phục, nên tôi đã phải trực tiếp đi tìm hiểu và tham khảo 2 chuyên gia,1 người bên ngân hàng, 1 người bên thanh tra, họ cho biết Luật không khuyến khích cũng không cấm việc này. Vậy nên Sở đã mở 1 tài khoản riêng, đứng tên Sở Y tế Đắk Lắk. Sau khi Sở công bố kết quả trúng thầu, chuyển tiền đặt cọc gốc về cho các nhà thầu, Sở đã xin tỉnh cho phép chuyển một trăm mấy chục triệu tiền lãi này cho ngân sách nhà nước. Nếu việc này sai, lỗi thuộc về các bộ phận chuyên môn đã không tham mưu tốt cho giám đốc Sở. 

Cụ thể là ai đã tham mưu, thưa ông?

Người chịu trách nhiệm chính về vấn đề này là trưởng phòng Tài chính kế toán, ông Nguyễn Hữu Thông.

Do giám đốc Sở bận họp giao ban, ông đề nghị tiếp tục trao đổi thẳng thắn sau 16h, đồng ý sẽ mời trưởng các phòng ban và tổ chuyên môn có liên quan đấu thầu cùng tham gia đối thoại. Tuy nhiên, cuộc giao ban của Sở đã kéo dài hơn dự kiến.

 Qua điện thoại, Bs Doãn Hữu Long cho biết nhiều cán bộ Sở ý kiến rằng, bài báo Tiền Phong vừa đăng đặt ra quá nhiều vấn đề, Sở cần xem xét, rà soát kỹ lại các nội dung liên quan. Dự kiến đến thứ Tư, ngày 23/9/2015  Sở sẽ hồi âm bằng văn bản để báo Tiền Phong tiếp tục cung cấp thông tin cho độc giả, rộng đường dư luận. 

Cùng ngày, báo Tiền Phong đã trao đổi với người phát ngôn của UBND tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh về bài báo vừa đăng. Ông Võ Minh Sơn- Chánh văn phòng UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho chuyên viên theo dõi phần việc này làm việc với Sở Y tế, kiểm tra các vấn đề báo đã nêu, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xử lý và trả lời báo Tiền Phong vào cuộc giao ban báo chí cuối tháng.

Ông Phạm Hùng Sơn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết sáng nay đã đọc kỹ bài báo. Tuy BHXH có tới 6-7 cán bộ được phân công làm việc cùng hội đồng đấu thầu, nhưng không được vào cuộc từ đầu, nhiều hồ sơ tài liệu hiện vẫn còn thiếu, nên lãnh đạo BHXH Đắk Lắk đã yêu cầu các cán bộ chuyên trách khẩn trương rà soát lại các vấn đề báo đã nêu, để có đủ thông tin cung cấp cho báo Tiền Phong trong một, hai ngày tới.

MỚI - NÓNG