Giám đốc Công an Hà Nội: Trật tự vỉa hè là vấn đề phức tạp, trách nhiệm không chỉ công an

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Trật tự vỉa hè là vấn đề phức tạp, trách nhiệm không chỉ riêng lực lượng công an, mà là của tất cả các sở, ngành, chính quyền các cấp", Trung tướng Nguyễn Hải Trung trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố.  

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 HĐND TP. Hà Nội, vấn đề quản lý lòng đường, vỉa hè được các đại biểu quan tâm. Thời gian qua, dư luận lên tiếng về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ xe ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Các đại biểu đề nghị lãnh đạo thành phố làm rõ việc quản lý, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, lòng đường vỉa hè là hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông theo đúng công năng sử dụng là phục vụ giao thông và sử dụng tạm thời không phải mục đích giao thông, trong đó có việc trông giữ phương tiện. Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè không theo mục đích giao thông trên địa bàn thành phố được thực hiện theo quy định của Chính phủ và Luật Giao thông đường bộ.

Tại Hà Nội, vỉa hè, lòng đường vẫn được dùng tạm thời cho một số hoạt động phục vụ đời sống dân sinh. Trong đó có việc cho thuê và cho một số doanh nghiệp trông giữ phương tiện.

Giám đốc Công an Hà Nội: Trật tự vỉa hè là vấn đề phức tạp, trách nhiệm không chỉ công an ảnh 1

Lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng xử lý xe ô tô dừng đỗ sai quy định

Theo phân cấp quản lý, hiện Sở Giao thông Vận tải và UBND các quận, huyện, thị xã được cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè để trông giữ phương tiện.

Theo ông Lưu, về công tác thu phí, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng vỉa hè của Nhà nước thì nộp phí theo Nghị quyết HĐND thành phố. Trường hợp doanh nghiệp trông giữ phương tiện thì được thu giá dịch vụ theo quyết định của UBND thành phố.

Về giải pháp tài chính, theo quy định của luật hiện nay có ba hình thức quản lý. Hình thức thứ nhất là cơ quan được giao trực tiếp quản lý tổ chức khai thác (hiện đang áp dụng với mô hình tại các nhà chung cư). Thứ hai là đấu giá quyền thuê, khai thác tài sản công và thứ ba là đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.

Hiện, Sở Tài chính đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND thành phố theo hai mô hình đầu tiên để có thêm kinh phí cho ngân sách. Đồng thời, tạo điều kiện để các đơn vị trông giữ phương tiện tái đầu tư cơ sở vật chất.

Còn theo Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Hải Trung, trật tự vỉa hè là vấn đề phức tạp. Trách nhiệm không chỉ riêng lực lượng công an, mà là của tất cả các sở, ngành, chính quyền các cấp.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, sau mỗi đợt ra quân, tình hình có cải thiện nhưng sau đó "đâu lại vào đấy". Nguyên nhân là bởi vỉa hè là nguồn thu nhập chính gắn với một bộ phận không nhỏ người dân kinh doanh trên hè phố. Ngoài ra, nhu cầu dừng đỗ phương tiện rất lớn trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ nên việc dừng đỗ thường không đúng nơi quy định.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, để giải quyết vấn đề này thành phố, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bao gồm từ bến đỗ, tuyến đỗ, giải quyết kinh tế của các hộ kinh doanh gắn với bảo đảm trật tự an toàn đô thị hiện nay. Ngoài ra, cần tính toán việc quản lý khai thác vỉa hè bảo đảm hài hòa giữa bài toán kinh tế và trật tự đô thị.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải tham mưu thực hiện các đề án quản lý sử dụng lòng đường, hè phố; quy hoạch các tuyến phố cấm dừng đỗ phương tiện, đưa ra tiêu chí cụ thể cho phép dừng đỗ phương tiện dưới lòng đường nhằm giải quyết tận gốc những bất cập trên.

Ngoài ra, Công an thành phố cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo 197 các quận, huyện, thị xã tập trung các biện pháp bảo đảm trật tự đô thị, nâng cao trách nhiệm. Đồng thời, quyết tâm, quyết liệt trong bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, không để "trên nóng, dưới lạnh", đùn đẩy trách nhiệm.

MỚI - NÓNG