Giải pháp hỗ trợ hơn 3.800 hộ ở cao nguyên Di Linh thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Là địa phương có số lượng hộ nghèo nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng với 3.856 hộ, huyện Di Linh chú trọng giải pháp trao "cần câu" thay vì "con cá" để giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Giải pháp hỗ trợ hơn 3.800 hộ ở cao nguyên Di Linh thoát nghèo ảnh 1

Hoa cà phê nở trắng đồi

Nơi có số lượng hộ nghèo cao nhất tỉnh

Ông Vũ Đức Nhuần, Phó chủ tịch UBND huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết Di Linh hiện có 3.865 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,24%; trong đó, số hộ nghèo đa chiều người dân tộc thiểu số (DTTS) là 2.402 hộ, chiếm tỉ lệ 15,08%. Đây là huyện có số lượng hộ nghèo cao nhất tỉnh.

Đáng lưu ý, Di Linh hiện có hơn 500 hộ thuộc diện gia đình neo đơn, khuyết tật, mắc bệnh nan y …, khó có khả năng tự thoát nghèo nên phải trông chờ vào sự hỗ trợ của xã hội.

Cũng theo lãnh đạo huyện Di Linh, nguyên nhân khiến số hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao bởi hơn 40% cư dân ở địa phương là người DTTS; trong khi một bộ phận người dân, chủ yếu là các hộ DTTS vẫn còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bảo trợ của Nhà nước.

Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Đa số các hộ đều có đất sản xuất, thậm chí là khá nhiều. Chẳng hạn như ở xã Sơn Điền, nơi có trên 97% cư dân là đồng bào DTTS (chủ yếu là người K’Ho), mỗi người dân sở hữu khoảng 1ha đất sản xuất.

Thế nhưng, theo Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, đa số người dân ở xã này chưa thực sự phát huy được giá trị trên mảnh đất của mình. Nguồn thu của người dân hầu như phụ thuộc vào cây cà phê, song nhiều hộ vẫn duy trì thói quen canh tác cũ, chủ yếu dựa vào tự nhiên, không ứng dụng khoa học kỹ thuật hay phương pháp sản xuất mới, dẫn đến năng suất cây trồng thấp.

Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nhiều năm qua, Nhà nước đầu tư hỗ trợ đồng bào DTTS theo kiểu bao cấp toàn bộ. Hậu quả là, nhiều hộ có tư tưởng trông chờ ỷ lại, không chủ động sáng tạo trong lao động, sản xuất. Nhiều hộ áp dụng phương thức sản xuất cũ, nghĩa là trông chờ hoàn toàn vào vườn, rẫy với cách thức sản xuất thuận tự nhiên, lệ thuộc vào nước trời nên thu nhập thấp.

Trao "cần câu" thay vì "con cá"

Theo Bí thư Huyện ủy Di Linh Đinh Văn Tuấn, để xóa nghèo cho hàng ngàn hộ nói trên đòi hỏi phải có thời gian và sự đồng thuận của cán bộ và người dân. Lãnh đạo các xã, thị trấn cần suy nghĩ thấu đáo về trách nhiệm của mình và những khó khăn đặc thù đang đặt ra; không chỉ quyết tâm, nỗ lực mà cần có những cách làm đột phá, sáng tạo hơn nữa.

Với diện tích hơn 44.000ha, cà phê là cây trồng chủ lực của huyện Di Linh, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm cho thu hoạch, không ít khu vườn đã già cỗi, cần được tái canh để tăng năng suất, chất lượng. Ban ngành chức năng cần tăng cường cho vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật giúp các hộ đồng bào DTTS ghép cải tạo, tái canh cà phê.

Đồng thời với việc nâng cao năng suất cây trồng chủ lực, chính quyền các cấp vận động người dân chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn để tăng thu nhập, dần thoát nghèo.

Giải pháp hỗ trợ hơn 3.800 hộ ở cao nguyên Di Linh thoát nghèo ảnh 2

Chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi sang trồng rau màu, cây ăn quả để thoát nghèo

Huyện Di Linh xác định trồng dâu, nuôi tằm là hướng đi khả thi, có thể triển khai ở nhiều xã, tuy nhiên, để triển khai đồng loạt, nhất là trong vùng đồng bào DTTS không phải chuyện dễ dàng.

Ngoài ra, các hộ DTTS cũng được hướng dẫn trồng xen các loại cây ăn trái (bơ, chuối, sầu riêng...) vào vườn cà phê để tăng thu nhập. Hiện toàn huyện có hơn 8.500 ha cây trồng xen.

UBND huyện Di Linh chỉ đạo các phòng ban liên quan xác định rõ khó khăn của từng xã, thị trấn để tập trung nguồn lực phối hợp, hỗ trợ thực hiện. Lãnh đạo huyện Di Linh sẽ thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, nhất là ở các xã khó khăn như Sơn Điền, Gia Bắc, Bảo Thuận, Đinh Trang Thượng… nhằm nâng cao đời sống của người dân.

Hiện Đinh Trang Thượng có gần 1.000 hộ với hơn 3.900 nhân khẩu, trong đó 83% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Từng là xã nghèo bậc nhất của huyện Di Linh, Đinh Trang Thượng đã có nhiều đổi thay tích cực nhờ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi.

Chẳng hạn, gia đình Ông K’ Bảy (người K’Ho) có 3,5 ha cà phê. Khi xã Đinh Trang Thượng vận động trồng cây rau màu, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 3 sào cà phê già cỗi sang trồng cà chua. Vụ cà chua vừa qua, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, gia đình ông thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đức Nhuần cho hay, phương châm của huyện là: “Hộ nghèo tự lực vươn lên, cộng đồng giúp đỡ, Nhà nước hỗ trợ”. Ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực một phần, còn người dân cần xóa bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” để cùng chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện.

“Hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng mới hy vọng giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”, ông Nhuần quả quyết.

MỚI - NÓNG