Còn trục lợi
Tại Hội nghị Tổng kết đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ 2017 diễn ra chiều 10/1, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở thừa nhận, hiện tượng phục dựng lễ hội tràn lan, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Nổi bật nhất là nhiều nơi thi nhau tổ chức lễ hội chọi trâu dù Chính phủ và Bộ VHTTDL có văn bản yêu cầu dừng các lễ hội không phải truyền thống này. Như lễ hội chọi trâu mới vẫn diễn ra tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La. Có nơi như Phúc Thọ (Hà Nội) lách bằng cách gọi Hội thi trâu khỏe, bán vé thu tiền, trâu chọi dù thắng hay thua đều đem thịt và bán giá ngất ngưởng.
Ghi nhận nỗ lực của các địa phương, nhưng mùa lễ hội 2016 vẫn còn những hình ảnh phản cảm như bạo lực trong lễ hội cướp phết. Ở một lễ hội, trong buổi lễ trang trọng, có vài nghìn cán bộ an ninh tham gia nhưng sau đó lộc lá cũng bị xâm phạm. Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nêu hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, ăn xin, ép giá tại lễ hội Đền Trần (Nam Định), tranh cướp tại Hội Gióng, lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn), khấn thuê ở Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Liễu Hạnh (Quảng Bình). Thanh tra Bộ cũng khá bức xúc về tình trạng đốt vàng mã, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng nơi quy định, ăn mặc phản cảm trong lễ hội. Vệ sinh môi trường tại nhiều lễ hội cũng chưa đảm bảo, chẳng hạn ở chùa Hương, lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh), rác thải chưa được thu gom kịp thời như ở Đền Bà Chúa Kho, Đền Và, Đền Đức Thánh Cả.
Mạnh tay với cướp phết, chọi trâu
Sau cuộc đối thoại Bộ VHTTDL và nhân dân hai xã Hương Nha, Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, người dân đồng thuận và tự nguyện không đập đầu trâu tới chết như lễ hội cầu trâu gần đây. Chém lợn Ném Thượng ban đầu người dân cũng khẳng định rằng tục chém lợn là truyền thống, nhưng khi các nhà khoa học đưa ra văn bản của Viện Viễn Đông Bác cổ thì họ đành chịu.
Cầu trâu Phú Thọ 5 năm mới diễn ra một lần, thay vì dùng vồ đập đầu trâu, địa phương đề xuất thay thế bằng trò diễn hoặc dùng búa mút đập trượng trưng. Phú Thọ không chỉ nóng cầu trâu mà lễ hội cướp phết Hiền Quan thời gian qua tính bạo lực lên cao. Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ thông báo ở lễ hội đầu năm 2017 có giải pháp dùng hàng rào phân biệt khách tham dự và người cướp phết. Trước đây cả khách lẫn chủ nhà đều xông vào cướp nên dễ xảy ra ẩu đả và mất kiểm soát.
Lo ngại trục lợi lễ hội thông qua các hội chọi trâu, Bộ có nhiều văn bản yêu cầu địa phương dừng tổ chức các lễ hội này, dẫu vậy Cục Văn hóa Cơ sở vẫn nhận được những văn bản “ăn vạ” của các doanh nghiệp đòi bồi thường vì lỡ đầu tư sân bãi, mua và nuôi trâu chọi. “Bộ nói rõ quan điểm: không có chuyện thương mại hóa lễ hội”, bà Trịnh Thị Thủy nói. Một số nơi như Yên Bái quyết tâm dừng chọi trâu, nhưng Tuyên Quang chẳng hạn vẫn muốn tổ chức. Đại diện Bộ yêu cầu nghiên cứu kỹ, tránh xảy ra trục lợi.
Sự trục lợi thể hiện rõ nhất ở việc bán vé lấy tiền tổ chức, giết thịt trâu bán giá cao. “Không chỉ chọi trâu mà chọi chó, dê, đấu ngựa đều là hình thức biến tướng, thu hút bạo lực. Bộ yêu cầu địa phương không cấp phép”, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở nói. Bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hải Phòng cũng nói, địa phương lưu tâm tới tính thương mại có thể xảy ra tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có truyền thống và được công nhận di sản. Hải Phòng họp rút kinh nghiệm và đề xuất phương án cho mùa lễ hội tới.
Lo ngại hầu đồng
Khi Hội Gióng được công nhận di sản thế giới, cộng đồng làng bên liền tổ chức một lễ hội mô phỏng Gióng, diễn ra trước lễ chính. “Cần để ý hiện tượng nhân danh danh hiệu để thương mại hóa di sản”, TS Minh Lý nói. Bà nhắc sự việc vừa qua một đơn vị chuẩn bị đón bằng tín ngưỡng thờ Mẫu, khi được phát hiện họ nhanh chóng đổi thành lễ chào mừng di sản.
Ông Vũ Công Hội, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ cũng cảnh báo các lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu diễn ra mùa xuân, rất dễ thương mại hóa, trục lợi. Ông đề nghị Bộ nghiên cứu quản lý để tránh thương mại hóa, khi lên đồng được thực hành nở rộ tại các đền phủ vào mùa lễ hội sắp tới. “Cơ quan chức năng thấy lễ hội nào có yếu tố trục lợi, phục vụ lợi ích một nhóm người thì phải ngăn chặn. Ngành văn hóa các địa phương cần hạn chế, chấm dứt những lễ hội này”, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nói. Ông cũng yêu cầu xem tháng Giêng không là tháng ăn chơi mà là dịp hút du khách. “Khách đến lễ hội đông là tốt nhưng làm sao để người dân hiểu, đi hội cần đặt an toàn lên đầu, không nên tập trung quá đông người trong một ngày, địa phương phải có giải pháp kiểm soát lượng người vào lễ hội”, Bộ trưởng yêu cầu.
Lúng túng xử lý vi phạm lễ hội
Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa thẳng thắn nói, xong mùa lễ hội thường chỉ phê phán chung chung, chưa ai bị xử lý. Ngay các địa phương tổ chức chọi trâu vi phạm, không cá nhân nào bị xử lý. “Đương nhiên tổ chức lễ hội vi phạm phải bị xử lý, cụ thể là chọi trâu, nhưng Bộ lúng túng vì chưa biết vận dụng văn bản nào. Tuy nhiên, Bộ yêu cầu địa phương tăng cường trách nhiệm xử lý các hành vi này”, bà Trịnh Thị Thủy nói.