Giải ngân vốn đầu tư công thấp: Ai chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bảy tháng năm 2022, giải ngân đầu tư công mới đạt hơn 34% kế hoạch Thủ tướng giao. Nhiều bộ ngành, địa phương được giao vốn lớn hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng, nhưng giải ngân nhỏ giọt. Vì sao có tiền vẫn không tiêu được?

Nhà thầu chờ hỗ trợ

Trên công trường dự án cao tốc Bắc - Nam, nhà thầu đang phải gồng mình xoay xở để thi công, vì đây dự án trọng điểm quốc gia không thể chậm tiến độ.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá, tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao đã gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các đơn vị. Theo Bộ GTVT, đến tháng 6/2022, có 9 dự án giao thông giải ngân chưa đạt yêu cầu, gồm: Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; Quốc lộ 279B; Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa, Quốc lộ 15; dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch; dự án đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Hữu Tới, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex (nhà thầu đang thi công 5 đoạn cao tốc Bắc - Nam) cho biết, khi giá xăng tăng, vật liệu xây dựng leo thang lên mặt bằng giá mới. Thời điểm hiện nay, giá đất đắp tăng 35 - 45%; cát tăng 25 - 30%; giá nhựa đường tăng 30 - 40%; giá đá sản xuất bê tông nhựa tăng 50 - 60%; giá đá dăm loại I tăng 25 - 35%… “Giá cả các loại vật liệu đã tăng từ 20% đến 30% so với giá trị hợp đồng (đã trừ dự phòng). Giá lên theo xăng mà giờ không chịu hạ xuống dù xăng giảm. Do giá cả biến động quá lớn, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn thành theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu, đó là đã tính cả hệ số hao hụt”, ông Tới lo lắng.

Ông Tới cho biết thêm, dù nhà thầu đã rất cố gắng xoay xở, nhưng việc mất cân đối dòng tiền trong hơn một năm qua là quá lớn, vượt hạn mức của ngân hàng nên không thể tiếp tục vay. Do tác động cộng hưởng nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp suy kiệt tài chính.

Giải ngân vốn đầu tư công thấp: Ai chịu trách nhiệm? ảnh 1

Nhà thầu dự án cao tốc Bắc - Nam phải gồng mình xoay xở trong bão giá Ảnh: PV

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp xây dựng đang đối mặt với nguy cơ “lụi tàn” dần trước tình trạng biến động giá cả vật liệu quá lớn, đẩy giá thành gói thầu lên cao. Có nhà thầu đã thấy lỗ tới 46% ngay khi bắt đầu thi công. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ chưa có, nên nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công, đặc biệt là gói thầu về hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc Bắc - Nam lâm vào tình trạng sống dở, chết dở.

Phân rõ trách nhiệm

Lý giải những vướng mắc gây chậm giải ngân đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương thừa nhận, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và vật liệu xây dựng. Nguyên nhân do một số nơi chưa cập nhật giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu kịp thời, sát thị trường. Ngoài ra, chủ đầu tư thường có tâm lý an toàn, chọn cách ký hợp đồng trọn gói nên khi xảy ra biến động giá thì phải gánh chịu.

Liên quan đến tổ chức thực hiện, ông Phương chỉ ra, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước vẫn chưa sát với khả năng thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, “vốn chờ dự án đủ thủ tục”. Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai.

Nhiều đơn vị được giao vốn lớn hàng nghìn tỷ đồng như Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp… “đội sổ” trong xếp hàng giải ngân, tỷ lệ chưa đến 10%. Thậm chí, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam mới giải ngân 2% trên tổng số hơn 3,8 nghìn tỷ đồng vốn được giao. Hai địa phương được giao kế hoạch vốn cao nhất năm 2022 là TPHCM (54,2 nghìn tỷ đồng) và Hà Nội (51,5 nghìn tỷ đồng) lại có tỷ lệ giải ngân vào nhóm “đội sổ” trong cả nước. Bảy tháng năm 2022, TPHCM giải ngân được 14,9% (hơn 8 nghìn tỷ đồng), còn Hà Nội là 26,2% (hơn 13,5 nghìn tỷ đồng).

Tại một số dự án, chất lượng chuẩn bị thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt, dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa thể thi công và giải ngân vì lại vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án. Việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thị trường, gây bị động cho chủ đầu tư, nhà thầu.

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An nhận định, việc các địa phương như TPHCM, Hà Nội, được bố trí số vốn lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân quá thấp gây lãng phí nguồn lực. “Nguyên nhân chậm giải ngân cần làm rõ, đặc biệt là vấn đề con người. Hai thành phố lớn vừa qua phải tập trung phòng dịch, nhưng cũng chính vì chống dịch đã tạo biến động lớn về cán bộ. Nhiều cán bộ vướng vòng lao lý tạo tâm lý sợ sai cho các thế hệ sau. Dù vậy, không thể lấy lý do này giải thích cho việc chậm giải ngân đầu tư công”, bà An nêu.

Trước tình hình này, bà An đề xuất Chính phủ có giải pháp quyết liệt, phân rõ trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư cho các bộ ngành, địa phương, người đứng đầu. “Người đứng đầu lĩnh vực, địa phương phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, bà An nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG