Giải ngân đầu tư công: 'Vốn phải đến công trình chứ không phải ra khỏi kho bạc thì vào ngân hàng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp với các sở ngành và địa phương về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Giải ngân đầu tư công: 'Vốn phải đến công trình chứ không phải ra khỏi kho bạc thì vào ngân hàng' ảnh 1

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh Hoài Văn

Chiều 4/11, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp với các ban ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Nam, tổng vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh là 8.244 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 7.831 tỷ đồng, còn lại là kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài.

Giải ngân đầu tư công: 'Vốn phải đến công trình chứ không phải ra khỏi kho bạc thì vào ngân hàng' ảnh 2

Lãnh đạo Sở KH&ĐT nêu lý do chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Kế hoạch vốn năm 2022 sau khi điều chỉnh bổ sung (ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 Chương trình MTQG và ngân sách tỉnh) là 7.831 tỷ đồng. Đến ngày 31/10, đã phân bổ hơn 6.945 tỷ đồng, đạt 88,7% (vốn NSTW đạt 98,5%, ngân sách địa phương đạt 84,6%). Kế hoạch vốn còn lại hơn 885 tỷ đồng, dự kiến sẽ phân bổ và điều chuyển hết trong tháng 11/2022.

Nguyên nhân chậm giải ngân, khách quan là do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; thời tiết mưa nhiều nên thi công công trình gặp khó khăn; đặc điểm lịch sử quản lý đất đai của tỉnh dẫn đến việc xác nhận nguồn gốc đất và công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc; Nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ 900 tỷ đồng thực hiện 3 Chương trình MTQG giao trễ.

Về nguyên nhân chủ quan, những tháng đầu năm các đơn vị và địa phương thực hiện các thủ tục đề nghị kéo dài kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022 và tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán khối lượng; Ngân sách tỉnh được HĐND tỉnh bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 (hơn 1.000 tỷ) trong tháng 10 dẫn đến tỷ lệ giải ngân tháng 10 năm 2022 thay đổi từ 60,6% so với kế hoạch vốn từ đầu năm còn 45,6% so với kế hoạch vốn sau khi bổ sung.

Giải ngân đầu tư công: 'Vốn phải đến công trình chứ không phải ra khỏi kho bạc thì vào ngân hàng' ảnh 3

Quảng Nam tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng cuối năm.

Ngoài ra, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; việc tổ chức thực hiện ở các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế; chất lượng hồ sơ chưa tốt; Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương có nơi còn thiếu chặt chẽ, nhất công tác giải phóng mặt bằng chưa được tập trung giải quyết dứt điểm; Thủ tục đầu tư các dự án còn chậm, kéo dài; một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu về năng lực…

Ông Nguyễn Hồng Quang nhìn nhận kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn còn chậm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thiếu quyết liệt trong giải quyết hồ sơ, thủ tục. Hai tháng cuối năm cần đẩy mạnh, tăng tốc giải ngân.

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đề nghị tăng cường trách nhiệm cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu đặc biệt là các chủ đầu tư. “Ban thường vụ Tỉnh ủy đang họp xét gợi ý kiểm điểm, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu báo cáo về công trình tiến độ giải ngân chậm” – ông Quang nói.

Cũng cần làm rõ vấn đề hồ sơ thủ tục các sở ngành có hay không có việc gây khó khăn khi thẩm định hồ sơ.

Còn gần 2 tháng nữa hết năm nhưng khối lượng và giá trị còn rất lớn, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các ngành lên kế hoạch chi tiết giải ngân từng nguồn vốn, từng công trình. Các địa phương, các chủ đầu tư phải có lộ trình, các địa phương thường xuyên kiểm tra đôn đốc.

Các địa phương, đặc biệt Sở KH&ĐT phải rà soát lại để phân bổ hết vốn. Các dự án không đầy đủ thủ tục thì phân bổ cho dự án khác, nếu không hết nữa điều chỉnh chứ không để “treo”. Khẩn trương hoàn tất thủ tục phân bổ vốn, tiếp tục đôn đốc các đơn vị đang thi công và tổ chức lựa chọn nhà thầu để thi công. “Vốn ra phải vào công trình chứ không phải ra khỏi kho bạc rồi quay lại vào ngân hàng cho mấy doanh nghiệp. Chất lượng vốn giải ngân cũng phải chú ý, ưu tiên bố trí giải ngân vốn để thanh toán khối lượng công trình chứ không phải ưu tiên bố trí để giải ngân cho ra khỏi kho bạc”, ông Quang khẳng định.

MỚI - NÓNG