Giải mã sạt lở bất thường và khốc liệt ở miền Trung

Bộ đội mở đường tiếp cận điểm sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3
Bộ đội mở đường tiếp cận điểm sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3
TP - Nhận định các hiện tượng sạt lở đất thời gian qua xảy ra khốc liệt và bất thường, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc thành lập các bộ phận chuyên trách sạt lở đất ở các địa phương có nguy cơ cao.

Đại diện Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam nói, những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết bất thường gây mưa lớn, cùng các hoạt động nhân sinh như phá rừng, mở đường, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa thúc đẩy quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là trượt lở đất với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng.

Năm nay, tại các tỉnh miền Trung, do tác động của La Nina, mưa lớn kéo dài liên tục. Đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tháng 10 năm nay, số lượng cơn bão đổ bộ vào miền Trung lập kỷ lục trong 37 năm qua. Kéo theo đó, sạt lở đất được nhận định là mạnh, khốc liệt và bất thường.

Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cho biết, trượt lở xảy ra rộng khắp, tập trung trong một thời gian rất ngắn, ở khu vực miền núi các tỉnh Trung bộ, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn đến rất lớn, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, số vụ sạt lở đất đá, đặc biệt tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, tăng đột biến so với những năm trước.

Năm 2012, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đã thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng trượt lở các vùng miền núi Việt Nam”, xây dựng bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại 25 tỉnh và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại 15 tỉnh, giúp các địa phương biết trước nguy cơ sạt lở đất.

Tuy nhiên, theo TS Hòa, cần nâng cao hiệu quả sử dụng bản đồ này trong thực tiễn. Cụ thể, đầu năm, đề án cần cử người đến các địa phương đã chuyển giao, một mặt xem địa phương gặp khó khăn gì khi sử dụng, mặt khác cập nhật thông tin về sạt lở đất đá ở địa phương, đưa ra những nhận định về tình hình trượt lở trong thời gian tới để đề xuất các kiến nghị cụ thể.

Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn thường xuyên cho người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao về dấu hiệu của sạt lở đất, các kỹ năng cơ bản để giảm thiểu thiệt hại.

TS Hòa cho rằng, mỗi xã/huyện/tỉnh có nguy cơ sạt lở đất cao cần có bộ phận chuyên trách theo dõi tình hình sạt lở đất, thường xuyên cập nhật thông tin, tư vấn cho chính quyền các cấp phương án khi xảy ra mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất cao.

Theo chuyên gia địa chất, điều quan trọng nữa là những sản phẩm này cần được tích hợp vào các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phục vụ tái định canh, định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng để tránh tối đa tác động nhân sinh vào tự nhiên. Trong đó, những khu vực có nguy cơ trượt lở cao, cần lập quy hoạch, kế hoạch phân bố dân cư, di dời nhà dân trong khu vực có nguy cơ cao đến vị trí an toàn.

Ông Hòa cũng cho rằng, cần tăng cường áp dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo sạt lở đất như lắp đặt mạng lưới quan trắc đồng thời xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo kịp thời cho cộng đồng dân cư. Với những con đường có nguy cơ trượt lở cao theo bản đồ điều tra hiện trạng cần lắp đặt hệ thống biển cảnh báo.

Về lâu dài, TS Hòa đưa ra giải pháp quy hoạch sử dụng đất với mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng ở những vị trí có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cũng như khoanh vùng canh tác hợp lý tại những vùng có nền địa chất ổn định. Yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về môi trường.

MỚI - NÓNG