Ám ảnh những tiếng nổ ở Nam Trà My

Những thân gỗ ngổn ngang sau vụ sạt lở. Ảnh: Cảnh Huệ
Những thân gỗ ngổn ngang sau vụ sạt lở. Ảnh: Cảnh Huệ
TP - Một số người dân, cán bộ ở Nam Trà My nói, từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, cả vùng núi rừng từ Bắc Trà My lên Nam Trà My thường vang dội những tiếng nổ lớn. 

Đập thủy điện Sông Tranh 2 và lòng hồ nằm trên đới đứt gãy Trà My. Động đất xảy ra từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước được các nhà khoa học kết luận là “động đất kích thích” và sẽ giảm dần. Nhưng những tiếng nổ lớn của núi rừng Trà My kèm theo động đất rung chuyển theo người dân địa phương vẫn thường xuất hiện nhất là vào mùa có mưa lớn, lòng hồ đầy nước.

Những tiếng nổ lớn, mà người dân địa phương chỉ cảm nhận thấy thanh âm và rung lắc, không biết xảy ra ở đâu. Vị trí sau đó thường được Viện Vật lý địa cầu xác định bằng một ngôi sao nhỏ trên bản đồ vùng Bắc Trà My, Nam Trà My và Trà Bồng (Quảng Ngãi) kèm theo bản tin động đất.

Hôm 28/10, khi bão số 9 kèm mưa lớn đổ bộ, cũng xuất hiện những tiếng nổ, sau đó là nước lũ, kèm đất, đá xoá sổ hoàn toàn nóc Ông Đề (thôn 1 xã, Trà Leng).

Người dân nóc Ông Đề sống sót sau vụ sạt lở kể lại rằng: Trước khi xảy ra sạt lở, họ nghe những tiếng nổ lớn giống như những tiếng nổ trước đây thường đi kèm theo động đất.

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, nói: Vụ lở núi ở thôn 1, xã Trà Leng nằm ngoài dự kiến, tính toán an toàn của địa phương. Theo kinh nghiệm từ các trận mưa lũ trước, con suối cạnh nóc Ông Đề lượng nước cũng không quá lớn, khu này lại là đồi núi trung bình. Trong các đợt mưa bão, đây là điểm an toàn để bà con sơ tán. Tuy nhiên trận lở núi đã khiến dòng chảy thay đổi và lần này bà con không kịp chạy thoát.

“Theo kinh nghiệm của địa phương, người dân ở khu vực đồi cao, chân núi, nếu nghe tiếng nổ thì cần nhanh chóng tìm nơi thoáng, cao để thoát nạn. Nóc Ông Đề được nhận định chưa phải là điểm nguy cơ cao về sạt lở. Ngoài điểm này, Trà Leng còn ba điểm có nguy cơ cao về sạt lở”, ông Cường cho biết.

“Tại các điểm sạt lở ở Trà Leng, bao đời nay bà con sống ổn định. Nhưng trận lũ vừa rồi là lịch sử, ngoài sức tưởng tượng. Kinh nghiệm lâu nay là những chỗ đó nước đều không tới, nhưng giờ nước lũ tới rồi thì buộc phải sắp xếp lại, xác định nó là những điểm nguy cơ mới”. Ông Phan Quốc Cường

MỚI - NÓNG