Già trẻ đều hiện đại

Chuẩn bị thả thơ viết trên bóng bay Ảnh N.M.Hà
Chuẩn bị thả thơ viết trên bóng bay Ảnh N.M.Hà
TP - Ấy là vì sân thơ Trẻ nay đã đổi tên thành 'Hiện đại'. Sân thơ vẫn mang tiếng già nay tên là 'Truyền thống'. Có lẽ vì thay tên nên sân 'Hiện đại' thu hút khá nhiều bạn thơ cao tuổi đến động viên các nhà thơ.

>> Mớ ba mớ bảy xốn xang hội thơ

Chuẩn bị thả thơ viết trên bóng bay Ảnh N.M.Hà
Chuẩn bị thả thơ viết trên bóng bay. Ảnh N.M.Hà.

Sân thơ truyền thống không có phần rước kiệu thơ như mọi năm, thay vào đó là màn rước Đất linh thiêng từ làng Sen quê Bác và Nước linh thiêng từ suối Lê-nin, Pắc Bó về hội thơ.

Toàn bộ phần đầu chương trình trên sân truyền thống quán triệt tinh thần của Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX - kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Phát băng ghi âm nhà thơ Chế Lan Viên đọc bài Người thay đổi đời tôi Người thay đổi thơ tôi; ca nhạc Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó; ngâm thơ Người đi tìm hình của nước. Hàng chục bức tượng bán thân nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh được trưng bày quanh Thiền Quang Tỉnh.

Xung quanh sân truyền thống góp mặt gần 40 trung tâm, câu lạc bộ thơ từ cấp phường đến cấp quận hoặc cao hơn, tên gọi phong phú: Hoa đại thụ, Đến với thiên nhiên, Tiếp bước Tản Đà, Trường xuân bách khoa, Thăng Long thi xã, Văn nghệ sỹ xứ Đoài… Lều thơ (bằng rơm rạ tre nứa) của trang web lucbat.com do nhà thơ Đặng Vương Hưng khởi xướng và chủ nhiệm, chăng áp phích lớn xin chữ ký của người yêu thơ ủng hộ đề nghị công nhận lục bát là quốc thi.

Theo ông Hưng: “Lục bát là thể thơ lâu đời nhất, gắn bó nhất với người Việt. Nó là hồn cốt dân tộc. Chúng tôi đang triển khai đề án, lộ trình 3 năm để lục bát được công nhận Quốc thi, tiến tới công nhận lục bát là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất nhiên lục bát vốn đã là quốc thi rồi, nhưng chưa danh chính ngôn thuận mà thôi”.

Sân thơ hiện đại giật tít Blog xuân 2011 trên phông nền ước lệ màn hình lap-top. Các nghệ sĩ giẫm lên bàn phím để đọc và diễn thơ. 10 thi quán trang trí nhất quán theo hình tượng lap-top. Vài thi quán ngoài sách còn bày hoa tươi, thúng mủng, nước, rượu, bánh mỳ, táo… cho thi khách và thực khách thêm động lực ghé chân.

"Thơ trẻ hôm nay có tính tốc độ cao. Nhưng đừng nghĩ rằng người nhiều tuổi như chúng tôi không chịu được. Xin thưa, chúng tôi vẫn chịu được. " - Diễn viên Hoàng Cúc

Tính thể nghiệm của sân hiện đại năm nay có vẻ giảm. Trừ Nguyễn Vĩnh Tiến hát thơ không nhạc đệm, Vi Thùy Linh múa thơ cùng Đào Anh Khánh và tiếng kèn điện của Nguyễn Bảo Long, thì các nhà thơ còn lại đều đọc thơ vo. Tuy nhiên giữa các chủ đề thơ, có các diễn viên múa Nhà hát Tuổi trẻ ăn mặc mát mẻ thực hiện những động tác gợi cảm góp phần hút khách cho thơ.

Bên cạnh ý kiến cho rằng sân thơ hiện đại năm nay không có gì để xem, và nghe thơ giữa chốn lao xao dễ tai nọ xọ tai kia, có không ít phát biểu tích cực. Một độc giả nữ trung tuổi cho hay, bà cảm động ứa nước mắt với bài thơ của một nữ thi sĩ trẻ viết chuyện mà theo bà hiểu là “nạo thai”. Bà đề nghị đưa bài thơ này vào nội dung tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch.

Nhà thơ Hữu Việt đồng tình và bày tỏ hy vọng có nhiều bài thơ có tác dụng cụ thể đối với thuế má, hải quan hay xăng dầu. Được hỏi có thấy sân thơ hiện đại năm nay buồn hơn các năm trước, nhà phê bình Văn Giá nói: “Năm nay vẫn có cái hay riêng. Đôi lúc phải lắng lại, chậm lại”.

Trong khi sân truyền thống đã hạ màn thì tại sân hiện đại, phần giao lưu giữa độc giả và các nhà thơ trẻ vẫn rôm rả. Điều thú vị là năm nay, các phát biểu toàn đến từ độc giả cao tuổi. Có độc giả bày tỏ hy vọng một trong số nhà thơ trẻ có mặt ở đây sẽ đoạt giải Nobel.

Một độc giả trung niên khác thắc mắc, tôi biết người trẻ bây giờ rất giỏi giang, nhưng thơ trước đây tôi còn thuộc được, bây giờ không thể nhớ nổi là sao. Nguyễn Vĩnh Tiến giải thích đơn giản: Thơ xưa có vần, thơ nay thì không. Diễn viên Hoàng Cúc - vai Tám Bính (phim Bỉ vỏ) vang bóng một thời, cho biết chị rất mến mộ thơ trẻ: “Thơ trẻ hôm nay có tính tốc độ cao. Nhưng đừng nghĩ rằng người nhiều tuổi như chúng tôi không chịu được. Xin thưa, chúng tôi vẫn chịu được”.

Một điểm mới của sân thơ hiện đại năm nay là trên áp phích sân khấu xuất hiện tên và logo của một số nhà tài trợ, cho thấy thơ đã được xã hội hóa thêm một bước nữa.

Lễ hội thơ xứ Lạng (ngày 17-2) tại quảng trường Hùng Vương trình diễn hơn 30 tác phẩm trong đó nhiều bài đã được phổ nhạc. Lễ hội đặc biệt này được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh Lạng Sơn.

Festival thơ Phú Yên lần thứ 31

Hội thơ Nguyên Tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên lần thứ 31 và Ngày Thơ Việt Nam khai mạc đúng rằm tháng Giêng, tức 17-2 DL, tại núi Nhạn (TP Tuy Hòa).

Hội thơ bắt đầu bằng “Mở cửa vườn thơ”. Dọc hai bên đường từ chân núi lên tháp Nhạn, 100 nữ sinh cầm lồng đèn đón khách. “Đường thơ” dẫn lên đỉnh núi Nhạn treo trang trọng 30 bài thơ hay của các nhà thơ trong nước. Một số bài thơ Phú Yên kinh điển, như Đèo Cả (Hữu Loan), Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ), Nhớ máu (Trần Mai Ninh) được khắc công phu trên đá.

Đêm thơ Nguyên Tiêu, công chúng được dịp thưởng thức những thi phẩm chọn lọc với cách thể hiện độc đáo trong không gian huyền hoặc của trăng gió núi Nhạn- sông Ba. Ngoài ra còn triển lãm ngoài trời, thi “Người đẹp Nguyên Tiêu qua ảnh nghệ thuật”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG