Ngày 28/11, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm về Giá nước sinh hoạt nhằm cung cấp cấp thông tin, truyên truyền để cho xã hội và người tiêu dùng hiểu đúng và rõ hơn về ngành nước, các vấn đề liên quan đến giá nước.
Chia sẻ về việc áp dụng, vận dụng các quy định về giá nước sinh hoạt tại mỗi địa phương hiện nay, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Về mặt pháp lý, quy định pháp luật về định giá bao gồm Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng nước sạch, Văn bản thông tư liên tich số 75 năm 2012 liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đi kèm có Thông tư 88 của Bộ Tài chính đã quy định rất chi tiết cụ thể về căn cứ cụ thể, phương pháp tính giá, quy trình phân cấp định giá…
Theo ông Thỏa, tính đến nay các Thông tư còn khá phù hợp, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ phải có những chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Thỏa khẳng định trên thực tế, hầu hết địa phương về cơ bản chấp hành nghiêm túc các văn bản hướng dẫn về định giá nước. Theo Thông tư số 75, quy định giá cụ thể, hàng năm có biến động có hóa đơn chứng từ cụ thể để điều chỉnh giá, tuy nhiên có những địa phương tính toán, định giá nước theo lộ trình. Việc này áp dụng Nghị định 117 năm 2007.
Về các mức giá, đại đa số tính giá bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận, tối thiểu 5%. Nhưng không phải 100% các địa phương giá nước đều đảm bảo, còn có các địa phương có giá chưa bù đắp được chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Trọng Dương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: quy định về suất đầu tư của Bộ Xây dựng còn thiếu, chưa đầy đủ. Theo ông Dương, không phải cứ công nghệ tiên tiến thì đắt tiền. "Công nghệ hiện đại giúp chúng ta hạ giá thành. Ví dụ như máy biến tần, giúp máy bơm nước đáp ứng nhu cầu mạng lưới, rất tiết kiệm điện. Nếu có định mức về công nghệ hiện đại cơ quan quản lý giá hoàn toàn kiểm tra được cái này".
Ông Dương cho rằng, cả nước sông Đuống, hay nước sông Đà đều thiếu các công cụ tính giá, các cơ quan quản lý giá địa phương rất vất vả để định giá. Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng cho phép đưa chi phí thất thoát nước vào giá thành. Đây là rất vô lý bởi "thất thoát nước thương mại do kỹ năng quản lý vận hành, đồng ho đo nước sai số… không thể bắt khách hàng phải chịu".
Tại buổi giao ban báo chí Hà Nội trước đó, trả lời câu hỏi về việc tại sao giá nước sông Đuống lại cao hơn sông Đà, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội lý giải về nguyên tắc tính giá của các đơn vị là giống nhau, đều được thực hiện trên cơ sở Nghị định 117 và Thông tư 75, nhưng giữa các nhà máy có các yếu tố khác nhau. Thứ nhất là công nghệ của nhà máy khác nhau dẫn tới hiệu suất đầu tư của các nhà máy là khác nhau. Thứ hai là chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau, chất lượng sông Đà khác và nước sông Đuống khác dẫn tới có sự lệch giá.
Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, trước năm 2016 thành phố có 12 nhà máy nước, trong đó có nhà máy nước mặt sông Đà. Tổng công suất nước sạch các nhà máy đạt gần 700 nghìn mét khối một ngày đêm, đáp ứng 38% nhu cầu toàn thành phố. Hà Nội đã kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng hệ thống cấp nước và các doanh nghiệp đã đề xuất dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.
"Tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á", ông Chung nói. Theo ông, Aqua One là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An và "thành phố đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm".