Gia nhập WTO: “VN không chấp nhận những đòi hỏi vô lý”

Gia nhập WTO: “VN không chấp nhận những đòi hỏi vô lý”
"Vào chậm cũng giống anh con trai lấy vợ muộn thôi. Và như vậy có hai khả năng, lấy muộn có thể tìm thấy cô vợ xinh hơn", Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói về tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam.
Gia nhập WTO: “VN không chấp nhận những đòi hỏi vô lý” ảnh 1

"Vào WTO các nước cũng được quyền lợi chứ không chỉ có Việt Nam, mà các nước được quyền lợi chủ yếu."

Bộ trưởng có thể cho biết một số nhận xét về tình hình đàm phán đa phương hiện nay của Việt Nam?

Vấn đề đa phương chủ yếu tồn tại ở 3 đối tác: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), và Australia.

Tôi nghĩ Australia có những điểm chung với Hoa Kỳ. Những vấn đề Australia đặt ra thì Hoa Kỳ cũng đặt ra. Cho nên có thể nói không sai là kết thúc đàm phán đa phương với EU và Hoa Kỳ thì coi như việc đàm phán đa phương hoàn thành.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đã nói không còn vấn đề gì trong đàm phán đa phương với Việt Nam. Trong hai ngày 12-13/9 đoàn Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã có cuộc gặp ở Washington. Trong cuộc gặp đó, chúng tôi đã rút ngắn được rất lớn những vấn đề còn khác nhau.

Tôi có thể nói tín hiệu rất lạc quan. Tất nhiên không kể đến những vấn đề chính trị Hoa Kỳ, có khi vấn đề này lại tác động đến tiến trình đàm phán. Nhưng với tiến triển như hiện nay, chúng tôi hi vọng Việt Nam có thể gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trước khi Hội nghị APEC diễn ra tại Hà Nội.

Việt Nam vẫn hi vọng gia nhập WTO trước thời điểm APEC họp hay như dư luận gần đây đưa tin nếu cần thiết để đầu năm sau, thưa Bộ trưởng?

Hi vọng thì 1% hay 0,5% cũng có thể không trở thành hiện thực được. Nói hi vọng là khả năng hiện thực 80% rồi nhưng vẫn còn 20%. 20% lớn lắm.

Chúng ta tuyên bố rồi, chúng ta không vào WTO bằng bất cứ giá nào. Chúng ta không lấy mốc gia nhập vào thời điểm APEC họp hoặc theo thời gian đó để chấp nhận những cam kết, đòi hỏi vô lý. Đó là nguyên tắc của chúng ta.

Như vậy, vấn đề vướng mắc là ở chỗ nào thưa Bộ trưởng?

Họ đòi những vấn đề hơi vô lý. Có thể vấn đề trước đây thông qua rồi nay lại đặt lại.

Nếu Việt Nam vào WTO chậm thì có ảnh hưởng như thế nào?

Vào WTO các nước cũng được quyền lợi chứ không chỉ có Việt Nam, mà các nước được quyền lợi chủ yếu. Vào chậm cũng giống anh con trai lấy vợ muộn thôi. Và như vậy có hai khả năng, lấy muộn có thể tìm thấy cô vợ xinh hơn.

Nếu PNTR chưa được Quốc hội Mỹ thông qua, có khả năng tác động đến việc gia nhập WTO của Việt Nam không, thưa Bộ trưởng?

Vấn đề chính là quỹ thời gian của họ ít quá, nhiệm vụ của họ phải tranh thủ phiếu bầu trước đã. Do đó họ có thể gắn việc thông qua Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với việc kết nạp. Có thể kịch bản đó xảy ra, chúng tôi không kiểm soát được. Nhưng đến thời điểm này chúng tôi không thấy biểu hiện gì cả.

Hiện Hoa Kỳ đang làm việc rất tích cực. Chúng tôi thấy càng ngày những vấn đề còn lại càng ít đi. Việt Nam đang chuẩn bị tích cực cho phiên đàm phán đa phương và hi vọng đó là phiên cuối cùng được tổ chức ngày 8-9/10 tới.

Tất nhiên cũng nghĩ đến khả năng Quốc hội Hoa Kỳ không kịp thông qua PNTR khi hội nghị APEC diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11. Trong trường hợp đó Việt Nam vẫn có thể gia nhập WTO, miễn là Hoa Kỳ không phản đối việc này. Tôi nghĩ họ không phản đối.

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm trong cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO là quyền kinh doanh. Xin Bộ trưởng cho biết quyền này được mở như thế nào và thời điểm mở ra sao?

Quyền kinh doanh là vấn đề Việt Nam đã cam kết trong WTO. Tổ chức cá nhân muốn thực hiện quyền kinh doanh phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để được cấp giấy chứng nhận quyền kinh doanh, sau đó đăng ký mã số thuế và có quyền kinh doanh.

Nói một cách dễ hiểu là doanh nghiệp có quyền đưa hàng hoá nhập khẩu đến Việt Nam và đứng tên tờ khai hải quan mà không được quyền tổ chức mạng lưới phân phối ở Việt Nam. Đây là dành quyền cho những người không hiện diện thương mại ở Việt Nam.

Còn những doanh nghiệp đã hiện diện thương mại, đã đầu tư vào Việt Nam quyền sẽ rộng hơn. Có quyền lập hệ thống phân phối, đại lý, bán lẻ, quyền xuất nhập khẩu nhưng phải lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Quyền kinh doanh sẽ được áp dụng ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO nhưng quyền phân phối thì muộn hơn song cũng không quá 3 năm. Có những mặt hàng chúng tôi sẽ mở ngay.

Theo Hà Linh
Thời báo Kinh tế

MỚI - NÓNG