Gia nhập TPP: Lo bộ máy nhà nước trì trệ

Gia nhập TTP xe ô tô ngoại sẽ tràn ngập thị trường nội địa. Ảnh: Hồng Vĩnh
Gia nhập TTP xe ô tô ngoại sẽ tràn ngập thị trường nội địa. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Gia nhập TPP đồng nghĩa sẽ có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ gia tăng nhưng tất cả mới chỉ là trong dự tính. Việc nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thế nào còn phụ thuộc vào những cải cách, vận hành thích ứng với diễn biến của thị trường của hệ thống cơ quan Nhà nước.

Kinh tế tăng trưởng: Kỳ vọng

Mở đầu buổi gặp mặt cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự tham gia của Việt Nam, chiều 9/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, những câu chuyện hậu trường TPP là những câu chuyện luôn được chờ đón nhưng chắc chắn các nước thành viên cũng như các thành viên đoàn đàm phán sẽ không được tiết lộ dưới bất cứ hình thức nào.

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam khi xóa bỏ các dòng thuế, những ảnh hưởng tiêu cực về cạnh tranh đối với ngành nông nghiệp, ngành ô tô được đặt ra tại họp báo. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, dù chưa thể trả lời hết các câu hỏi do vướng những ràng buộc về điều khoản cam kết không công bố thông tin của hiệp định, nhưng việc tham gia TPP sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Cụ thể, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.

Trả lời câu hỏi về việc gia nhập TPP có làm tăng khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, với các quốc gia tham gia TPP nếu chuẩn bị tốt thì sẽ nắm bắt được cơ hội. Tuy nhiên, việc hội nhập luôn có hai mặt và trong xã hội nào cũng có người giàu, người nghèo. Gia nhập TPP sẽ làm khoảng cách giàu – nghèo kéo giãn ra nhưng Chính phủ sẽ có những công cụ, biện pháp để bù đắp cho người nghèo, không để khoảng cách giàu nghèo “doãng” rộng.

Trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam cũng trấn an việc các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn khi hàng loạt doanh nghiệp lớn của nước ngoài sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu cũng như gia tăng hoạt động ở Việt Nam. Ông cho rằng những điều này đã được tính đến trong quá trình đàm phán. 

Do Việt Nam là nước có mức cạnh tranh yếu nhất trong nhóm các nước tham gia hiệp định nên được “ưu đãi” ở nhiều điều khoản với những cam kết hỗ trợ từ nhiều nước. Ngay cả ở những điều khoản Việt Nam đã cam kết, luôn có một lộ trình đủ dài để doanh nghiệp có thể thích nghi và hội nhập. 

“Việt Nam tham gia WTO năm 2006, đồng thời có thời gian chuẩn bị trước, nên chúng ta hoàn toàn có thể tự tin tiến vào cuộc chơi mới như TPP. Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP”, ông Khánh nói.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, việc các nước, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Canada giảm thuế nhập khẩu về mức 0% cho hàng hóa Việt Nam sẽ tạo cú hích lớn. Riêng dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ một tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng  250.000 việc làm các loại. Tính tổng chung, xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025

Thuế nhập khẩu 0%: Thu ngân sách vẫn có thể tăng

Phân tích khá cụ thể về 5 thách thức lớn Việt Nam sẽ phải đối mặt, Thứ trưởng Khánh cho biết, trước mắt chúng ta sẽ chịu áp lực về thương mại hàng hóa, với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP như Australia, Niu Di lân, Chi lê có thế mạnh. Sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà. 

Một số nông sản khác sẽ gặp khó khăn như sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. Với mặt hàng giấy, thép, ô tô, sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của Việt Nam hướng đến phân khúc thị trường trung bình. Trong khi đó, sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Ông Khánh cho rằng, theo cam kết, việc hạ thuế trong các nước TPP về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh, cụ thể ảnh hưởng đối với thu thuế các mặt hàng: bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại (chủ yếu là đồ bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, xe mô-tô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.

Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, ta sẽ phải nỗ lực hết sức, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ để sản phẩm nông nghiệp đủ sức đứng vững trên sân nhà.

“Mặc dù các bên đã hoàn tất đàm phán, nhưng TPP vẫn cần được Quốc hội các nước thông qua. Theo thỏa thuận, TPP có thiết kế một điều khoản về việc nếu Quốc hội một nước (hoặc nhiều nước) không thông qua thì sẽ căn cứ vào việc nước không thông qua đó chiếm bao nhiêu phần trăm GDP và chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thông qua để xem xét. Nếu đạt mức như thỏa thuận thì TPP sẽ được xem là đương nhiên có hiệu lực”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói.

Lộ trình cho TPP

Sau khi kết thúc đàm phàn, để hoàn tất TPP cần thời gian từ 18 tháng tới 2 năm. Việt Nam sẽ cùng các nước TPP thực hiện các bước: Rà soát pháp lý bảo đảm lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán. Việc dịch thuật và công bố rộng rãi nội dung Hiệp định cố gắng hoàn thành trong nửa đầu tháng 10/2015. Sau đó dành thời gian để các đại biểu Quốc hội, người dân và các doanh nghiệp nghiên cứu  Ký kết Hiệp định (dự kiến nửa đầu tháng 1/2016). Cuối cùng, thực hiện quy trình thông qua Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật từng nước (dự kiến từ tháng 1 đến 6/2018).

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.