Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tuần cuối tháng 10, giá lúa thường tại ruộng bình quân ở mức 5.380 đồng/kg, tăng 38 đồng so với tuần trước đó; lúa thường tại kho có giá bình quân 6.500 đồng/kg (tăng 63 đồng)…
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, giá lúa ở ĐBSCL tiếp tục tăng sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, lưu thông thuận lợi và tình hình xuất khẩu gạo khả quan trở lại. Cụ thể, ở An Giang, lúa thường IR50404 tại ruộng ngày 4/11 được thương lái thu mua ở mức 5.500-5.600 đồng/kg (tăng 400 đồng so với ngày trước đó).
Lúa IR50404 khô có giá 6.500 đồng/kg (tăng 500 đồng); lúa Đài Thơm 8 có giá 6.000-6.200 đồng/kg (tăng 200 đồng); lúa OM5451 ở mức 5.700-5.900 đồng/kg (tăng 100 đồng); lúa Nàng Hoa 9 có giá 6.300-6.400 đồng/kg (tăng 300 đồng)…
Tại TP Cần Thơ và một số tỉnh ĐBSCL, các loại lúa đã phơi sấy khô như OM4900, RVT hay Ðài Thơm 8 có giá 7.100-7.500 đồng/kg, trong khi trước đây là 6.900-7.400 đồng/kg…
Nhìn chung, giá nhiều loại lúa vẫn còn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên giá nhiều loại lúa, nhất là các lúa gạo thơm ngon, đặc sản, dự báo còn nhích lên trong thời gian tới. Hiện nhiều địa phương đã thu hoạch xong vụ Thu Đông, như tại Cần Thơ đã thu hoạch dứt điểm 69.995ha lúa Thu Đông 2021, với năng suất ước đạt 55,3 tạ/ha, cao hơn 1,49 tạ/ha so với cùng kỳ.
Lúa tươi được cân bán tại ruộng. |
Về tình hình xuất khẩu (XK) gạo, theo VFA, trong nửa đầu tháng 10/2021, XK gạo Việt Nam đạt trên 294 ngàn tấn với trị giá trên 154 triệu USD, tăng 61,6% về lượng và tăng 57,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, trong tháng 9/2021, XK gạo Việt Nam đạt hơn 593 ngàn tấn với giá trị đạt hơn 293 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 20,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết nửa đầu tháng 10/2021, XK gạo Việt Nam đạt hơn 4,86 triệu tấn với trị giá 2,57 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng và 1,08% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các doanh nghiệp (DN) lúa gạo ở ĐBSCL, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 trong 3 tháng trước tại các tỉnh phía Nam đã khiến XK gạo của hầu hết DN bị ngưng trệ. Khi việc đi lại được nới lỏng, các DN đã tập trung giao những đơn hàng bị kẹt trước đó.
Bên cạnh đó, sau thời gian bị đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19, thị trường thế giới cũng đã quay lại đặt hàng nhiều hơn, giúp XK gạo Việt Nam tăng trở lại. Mặt khác, chất lượng gạo Việt Nam gần đây đã được cải thiện nhiều nên lượng khách hàng tin dùng cũng tăng lên.