Xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới:

Gia đình là 'cái nôi' giúp người trẻ học hỏi, hình thành các giá trị đạo đức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các chuyên gia, hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa đạo đức cá nhân và trách nhiệm xã hội, giữa kỹ năng chuyên môn và khả năng thích ứng. Yếu tố giáo dục, gia đình và xã hội đóng vai trò trong việc hình thành và phát triển giá trị cho thanh niên, trong đó gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để trẻ em học hỏi và hình thành các giá trị đạo đức.

Đề cao vai trò nêu gương

Đánh giá cao Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới” do T.Ư Đoàn phát động, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Bí thư T.Ư Đoàn cho biết, hơn 10 năm qua, các địa phương trên cả nước hưởng ứng Cuộc vận động với nhiều nội dung, hình thức sinh động. Theo bà, trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, cần tiếp tục xem xét định hướng về tiêu chí giá trị hình mẫu thanh niên và những giải pháp cần phải đẩy mạnh.

Bà Thảo cho rằng, trên cơ sở hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đã được đúc kết và những giá trị hình mẫu thanh niên với 12 tiêu chí được triển khai thời gian qua, T.Ư Đoàn cần xem xét xác định giá trị hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới, nhằm định hướng cho thanh niên sát với điều kiện hiện nay, bao gồm những giá trị chung và giá trị nhân cách cần hướng tới.

“Có thể xem xét làm gọn các tiêu chí, không nêu quá cao và quá cầu toàn. Nên chăng, tập trung vào các tiêu chí: yêu nước, khát vọng, trách nhiệm, xung kích, sáng tạo. Nếu xét thấy 12 tiêu chí còn phù hợp thì tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa nội hàm của các tiêu chí”, bà Thảo đề xuất.

Theo bà Thảo, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới, là nêu cao vai trò nêu gương của cán bộ Đoàn, Hội, Đội, phấn đấu trong học tập và rèn luyện theo các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam và các giá trị hình mẫu thanh niên.

“Sự nêu gương ấy phải thể hiện rõ nét ở các phẩm chất về tri thức, đạo đức và phép ứng xử, lối sống cùng những giá trị hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới”, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.

Gia đình là 'cái nôi' giúp người trẻ học hỏi, hình thành các giá trị đạo đức ảnh 1

Hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa đạo đức cá nhân và trách nhiệm xã hội, giữa kỹ năng chuyên môn và khả năng thích ứng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức giá trị hình mẫu thanh niên thông qua việc tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, các cuộc sinh hoạt tại cơ sở về giá trị hình mẫu thanh niên, về lối sống, nếp sống thanh niên và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, lối sống thiếu văn hóa.

Bà Thảo cũng nhấn mạnh các giải pháp thu hút thanh niên tham gia các phong trào hành động cách mạng, thiện nguyện, công tác xã hội phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội… Qua đó, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tạo điều kiện cho người trẻ có những trải nghiệm, bản lĩnh vượt khó, được cống hiến và trưởng thành.

Bên cạnh đó, bà Thảo cũng đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa, tạo điện kiện để xây - chống trên lĩnh vực văn hóa có hiệu quả. “Đề xuất cơ chế, chính sách với nhà nước, đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, trong đó có chăm lo xây dựng con người - nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, bà Phạm Phương Thảo nêu ý kiến.

Vững vàng về đạo đức, linh hoạt trong kỹ năng

Theo TS. Đào Lê Hòa An - đồng tác giả sách giáo khoa môn Giáo dục công dân lớp 6,7,8,9 (Bộ sách Chân trời sáng tạo - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa đạo đức cá nhân và trách nhiệm xã hội, giữa kỹ năng chuyên môn và khả năng thích ứng. Hình mẫu này bao gồm nhiều khía cạnh từ đạo đức, kỹ năng cho đến tầm nhìn và hoài bão.

“Để phát triển hình mẫu này, chúng ta cần thực sự thấu hiểu về tâm lý, nhu cầu, sở thích, hứng thú của họ - những người phần lớn thuộc thế hệ gen Z và tập trung vào việc cải thiện chất lượng giáo dục, mở rộng cơ hội phát triển cá nhân và khuyến khích sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động cộng đồng và quốc tế”, TS. Đào Lê Hòa An nói.

Gia đình là 'cái nôi' giúp người trẻ học hỏi, hình thành các giá trị đạo đức ảnh 2

TS. Đào Lê Hòa An

TS An cho rằng, để hỗ trợ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, cần có một chiến lược giáo dục và phát triển cộng đồng mạnh mẽ, nhắm vào việc xây dựng lòng trung thành với Tổ quốc, lý tưởng cách mạng, và các giá trị đạo đức, cũng như kỹ năng để thích ứng với yêu cầu của thế giới hiện đại.

TS Đào Lê Hòa An đề xuất nhóm giải pháp nhằm giúp thanh niên không chỉ vững vàng về mặt đạo đức mà còn linh hoạt trong kỹ năng và kiến thức, gồm: giáo dục và đào tạo giá trị; phát triển kỹ năng và kiến thức toàn cầu; tham gia và đóng góp cộng đồng.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục, gia đình và xã hội trong việc hình thành và phát triển giá trị cho thanh niên. Trong đó, gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để trẻ em học hỏi và hình thành các giá trị đạo đức.

Từ việc dạy trẻ cách ứng xử, tôn trọng người khác, đến việc khuyến khích học tập và trách nhiệm, mọi thứ đều bắt đầu từ nhà. Các bậc cha mẹ và thành viên trong gia đình cũng là những tấm gương đầu tiên mà thanh niên noi theo, từ đó học hỏi các phẩm chất như công bằng, trung thực, và tự lập.

“Chúng ta cũng nhận thấy rằng, việc xây dựng giá trị hình mẫu cho thanh niên không chỉ là về việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng mà còn là về việc hình thành và thúc đẩy những phẩm chất đạo đức và nhân cách. Phải tạo ra các cơ hội để thanh niên có thể phát triển những đặc điểm như trách nhiệm, tự tin, sáng tạo và tinh thần hợp tác, từ đó họ có thể trở thành những công dân tích cực và có ích cho xã hội”, TS. Đào Lê Hòa An nói.

MỚI - NÓNG