Giá đất, giá nghề nông

Giá đất, giá nghề nông
TP - Giá đền bù đất trồng lúa nước cao gấp đôi giá đất ở. Đây là quy định có tính đột phá mạnh mẽ, được nêu ra trong một dự thảo nghị định của Chính phủ, nhằm bảo vệ đất trồng lúa, giữ an ninh lương thực lâu dài cho quốc gia.

Có lẽ những ai biết yêu thương nông dân Việt Nam, những người đảm bảo cho đất nước bình yên qua bao cơn biến động của thế kỷ, đang canh cánh không nguôi nỗi lo về bát cơm cho con cháu ở tương lai, hẳn đều vui mừng.

Một lẽ giản đơn, muốn có gạo ăn phải có đất trồng lúa. Bộ NN-PTNT đã tính toán, năm 2020, dân nước ta muốn có đủ gạo ăn cần phải có chí ít 3,7 triệu héc-ta đất trồng lúa, trong đó 3,2 triệu héc-ta chuyên canh. Con số ấy không thể có được, nếu đất trồng lúa tiếp tục bị mất như 10 năm qua, mỗi năm một phần trăm.

Hiện đất trồng lúa của cả nước chỉ còn khoảng 4,1 triệu héc-ta, trong đó đất chuyên canh lúa là 3,27 triệu héc-ta. Vấn đề nghiêm trọng, gần đây chủ yếu mất đất chuyên canh lúa.

Nhiều chính sách đã ban hành, nhiều khẩu hiệu được nêu lên, vẫn chưa kìm hãm được tốc độ lấy đất trồng lúa cho các mục đích khác. Không chỉ sân golf, không chỉ khu công nghiệp, khu dân cư, ở thành phố Cần Thơ còn có chủ trương lấy 20.000 héc - ta đất chuyên lúa để di dời trung tâm thành phố hiện nay. Khu đất ấy có Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ, đã được đầu tư hạ tầng trồng lúa vào loại tốt nhất ĐBSCL.

Lấy đất trồng lúa không thương tiếc bởi một lý do giản đơn, quy định đất trồng lúa quá rẻ. Đất trồng lúa trước nay luôn được quy định chỉ bằng một phần mười, một phần trăm, thậm chí một phần nghìn đất ở.

Đôi nơi, chính quyền cơ sở không do dự cưỡng chế nông dân để lấy đất trồng lúa giao cho doanh nghiệp. Nên nhãn tiền, quá trình đô thị hóa ào ạt đến mức thiếu tính toán thời gian qua, nhiều chủ đầu tư giàu lên nhanh chóng, tương ứng rất nhiều nông dân nghèo đi không sao cưỡng được.

Đất trồng lúa bị coi rẻ, nghề nông bị coi rẻ, người nông dân không được coi trọng, làm sao có được an ninh lương thực quốc gia?

Hiển nhiên, giữ đất trồng lúa rồi, cần nhiều chính sách nữa đảm bảo an sinh cho nông dân, mới có an ninh lương thực bền vững. Chẳng hạn đề án Mỗi làng, một nghề do Bộ NN - PTNT triển khai trong giai đoạn 2006 - 2015. Đề án này được tham khảo từ chương trình Mỗi làng - Một sản phẩm rất thành công ở Nhật Bản.

Chương trình của Nhật Bản đưa đến kết quả, đơn cử ở quận Oita làm nấm shiitake, giá trung bình 30.000 yên/kg, trong lúc chiếc xe Toyota hạng trung bình tính theo khối lượng chỉ khoảng 2.000 yên/kg.

Nên người nông dân quận Oita nói: Hãng xe hơi Toyota không thể chiếm được đất của Oita. Vấn đề cho thấy, phong trào nhân rộng mô hình rầm rộ đôi nơi lâu nay, một người thành công đem cả huyện cả tỉnh học tập, hoàn toàn không ổn, bởi dẫn đến dư thừa. Sản phẩm nông nghiệp phải là đặc sản mới có giá và mới có thể cải thiện được cuộc sống của nông dân.

Trở lại dự thảo nghị định của Chính phủ, đang lấy ý kiến rộng rãi, hy vọng sẽ chính thức được ban hành. Khi giá đền bù đất trồng lúa nước ở mức cao, nghề nông khá giả, người nông dân có vị trí xứng đáng trong xã hội, những nhà kinh doanh về nông thôn làm việc với nông dân hẳn phải thận trọng, tính toán chu đáo. Những kẻ cơ hội kiếm chác khó còn đất sống.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".