Phần còn lại của thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Phần còn lại của thế giới vừa được nhắc đến, nhân Ngày Quốc tế của người thổ dân, còn gọi là Ngày Quốc tế Dân tộc bản địa thế giới vào 9/8 hằng năm.

Trong thế giới lên vũ trụ như đi chợ này, một trong những điều ít được biết tới, và cũng gây tò mò nhất, có lẽ là các bộ lạc, tộc người ít ỏi sống ở những hang cùng ngõ hẻm nhất trái đất, và luôn tìm cách lẩn trốn loài người. Người bản địa/thổ dân ước tính chiếm gần 6% dân số thế giới (khoảng 467 triệu người), nhưng lại đại diện cho 5.000 nền văn hóa khác nhau.

Đó có thể là người Nenets ở Siberi, mà ngay tên gọi đã mang ý nghĩa “tận cùng thế giới”, ngàn đời vui sống giữa băng giá âm tới 45 độ C, mùa hè cũng âm 20 độ C. Là tộc 50 ngàn người Himba sống giữa hoang mạc Namib cổ xưa và khắc nghiệt nhất trái đất, với chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lên tới 50 độ C, suốt cuộc đời mỗi người chỉ tắm vài lần. Là bộ tộc Kogi (nghĩa là Báo đen) ở Colombia, hoàn toàn không ăn thịt, cá và bất cứ loài động vật, côn trùng nào, cả đời chỉ ăn hoa, củ, quả, cây, lá. Những người sống hoàn toàn biệt lập với bên ngoài, không hề tích trữ lương thực, cũng không hề thờ cúng một vị thần hay tôn giáo nào. Tuy nhiên, mỗi người Kogi trưởng thành đều phải trải qua 9 năm ngồi nhìn vào vách đá để tìm sự hòa hợp giữa bản thân và thiên nhiên…

Ngày Quốc tế Dân tộc bản địa thế giới năm 2024 mang chủ đề “Bảo vệ quyền của người bản địa trong sự cô lập tự nguyện và tiếp xúc ban đầu”. Thông điệp trên được hiểu, “đó là những người bảo vệ rừng - cái nôi sinh sống của họ - một cách tốt nhất. Thế giới này nơi nào quyền tập thể của họ đối với đất đai và lãnh thổ được bảo vệ, thì rừng sẽ phát triển mạnh mẽ cùng với xã hội của họ. Sự sống còn của họ không chỉ quan trọng đối với việc bảo vệ hành tinh, mà còn quan trọng đối với sự tồn tại đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ”.

Thông điệp trên phần nào cho thấy sự mong manh của các dân tộc bản địa giữa thế giới siêu kết nối, siêu đồng hóa này. Mà đôi khi chỉ một quyết định nào đó, dù nhỏ cũng dễ khiến họ “thoái hóa” khỏi nền văn minh của riêng mình, bị pha loãng và đồng hóa vào guồng quay khổng lồ của xã hội hiện đại.

Họ - những “tiêu bản” của nền văn minh cổ xưa, những di chỉ sống độc đáo, hiếm hoi và vô giá ngàn vạn năm trước còn tồn tại đến ngày nay, giữa thời đại này lại trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Như có thể hình dung về những vùng núi non, thắng cảnh cổ xưa và hoang sơ, nơi dân tình hớn hở khám phá check in, giờ thì chưa, nhưng chừng mươi năm nữa liệu có thoát khỏi cảnh bị quây lại làm resort, biệt thự của những ông chủ nào đó? Như nhiều dân tộc thiểu số, liệu còn giữ được bản sắc cộng đồng độc đáo và thuần chất, còn đêm đêm đốt lửa hát khan, kể sử thi, cồng chiêng, hát đối…?

Thế giới đang biến động dữ dội và khó lường này, biết đâu chỉ không lâu nữa, tất cả sẽ phải đối diện với câu hỏi, rằng đại đa số con người hiện đại chúng ta – hơn 7 tỷ người, hay những người bản địa kia, ai sẽ là phần “bên rìa” của thế giới?

MỚI - NÓNG