Chặn đầu cơ

TP - Phiên đấu giá đất 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TPHCM) vào ngày 10/12/2021 với mức cao nhất lên tới gần 2,5 tỷ đồng/m2, gấp 8,3 lần giá khởi điểm đã để lại nhiều hệ lụy mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết xong.

Sau khi trúng đấu giá, cả 4 doanh nghiệp lần lượt có “tâm thư” xin bỏ cọc. Giới bất động sản khi đó đồn rằng, việc trúng đấu giá ở Thủ Thiêm gần 2,5 tỷ đồng/m2 là cơ sở để nâng giá đất ở quận 1 nhằm tăng giá trị tài sản thế chấp, rút tiền từ các ngân hàng. Thuyết âm mưu đó không biết thực hư ra sao, chỉ biết sau phiên đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì ngay lập tức đã kéo theo “cò’’ đất, “sóng giá đất” nổi lên. Hệ quả là nhiều lô đất bị thổi giá lên gấp đôi, chung cư cũng được nâng giá lên thêm hàng chục triệu đồng/m2, khiến người nghèo đô thị khó tiếp cận với nhà ở để an cư.

 Chặn đầu cơ  ảnh 1

Các lô đất vừa đấu giá ở Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Trần Hoàng.

Mục tiêu của việc đấu giá đất là tạo thêm nguồn cung nhà ở nhưng gần 3 năm qua, đấu giá lại trở thành một thị trường đầu cơ mới. Các suất trúng đấu giá liên tục bị mua đi bán lại và nếu không bán được, nhà đầu tư lập tức bỏ cọc. Các dự án trước đây dự kiến làm nhà ở vừa túi tiền, nhà có giá trung bình thì giờ chủ đầu tư lại chờ đợi để thiết lập mặt bằng giá mới, đẩy luôn lên giá nhà ở cao cấp. Chưa kể, đất bị thổi giá lên đến chục lần, làm cho mặt bằng giá bị thay đổi, dẫn đến nguy cơ “bong bóng”, đổ vỡ của cả thị trường.

Năm nay, TPHCM dự kiến đem ra bán đấu giá 19 lô “đất vàng” tại Thủ Thiêm, trong đó có 4 lô từng bị các doanh nghiệp bỏ cọc. Tuy nhiên, TPHCM sẽ không đấu giá ồ ạt mà thực hiện theo thứ tự. Cụ thể, sau khi có kết quả đấu giá thành của 3 lô đất (lô 1-2, lô 1-3 và lô 3-5) sẽ rút kinh nghiệm, triển khai đấu giá tiếp 16 lô đất còn lại. Quy trình là hoàn thiện hồ sơ pháp lý của từng lô đất, lựa chọn và thuê đơn vị thực hiện cuộc đấu giá, tổ chức bán đấu giá… Riêng cách xác định giá khởi điểm sẽ theo Nghị định 12/2024/NĐ-CP quy định về giá đất, được ban hành ngày 5/2.

Quy trình TPHCM đưa ra có vẻ chặt chẽ nhưng cần phải rút kinh nghiệm từ đợt đấu giá trước đó, mà mấu chốt ở đây là cần phải sàng lọc nhà đầu tư. Nghị định 10/2023 NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định trường hợp có 2 công ty trở lên có sở hữu chéo lẫn nhau thì chỉ được một công ty tham gia đấu giá, đơn vị tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt cọc bằng 20% tổng giá trị khu đất tính theo giá khởi điểm, đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật liên quan... Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ, khi thời gian gần đây, nhiều phiên đấu giá đất ở các tỉnh, thành khác cũng xảy ra tình trạng nhà đầu tư trúng đấu giá xong liền lướt sóng kiếm lời hoặc bỏ cọc.

Nên chăng, cần phải thêm tiêu chí kết quả hoạt động kinh doanh trong những năm gần nhất, thời gian hoạt động của doanh nghiệp, tổng vốn, số lượng dự án bất động sản đã từng thực hiện… để đánh giá năng lực đơn vị tham gia đấu giá. Đơn vị tổ chức đấu giá cũng phải sàng lọc khả năng thực hiện dự án của nhà đầu tư trên khu đất tham gia đấu giá như điều kiện về vốn chủ sở hữu, kế hoạch thu xếp vốn chi trả tiền sử dụng đất, khả năng huy động vốn phát triển dự án, nghiên cứu khả thi phương án kinh doanh...

Việc sàng lọc này giúp tránh những đơn vị có khả năng gây nhiễu loạn thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp mới thành lập hoặc có số vốn rất nhỏ cũng đủ điều kiện tham gia đấu giá các lô đất hàng chục ngàn tỷ đồng.

MỚI - NÓNG