Giá của phong trào

Giá của phong trào
TP - Với người dân ở một nước giàu, việc đánh rơi một chiếc bánh mì, mất một số tiền nhỏ trong đầu tư là việc không quá lớn. Kinh tế phát triển, doanh nghiệp, người dân có cơ hội gỡ lại tiền đầu tư bằng cách này hay cách khác.

Còn với một nước nghèo, không dư dả tiền bạc như Việt Nam, đầu tư sai hướng, đầu tư theo phong trào luôn phải trả giá rất lớn. Không ít bài học đã cho thấy điều này.

Ông Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, TS Trần Văn Huynh cho biết, năm 2013, Việt Nam xuất khẩu hơn 14 triệu tấn xi măng. Lẽ dĩ thường, xuất khẩu nhiều đồng nghĩa nhiều tiền, doanh nghiệp có lãi và phải mừng. 

Thực tế cay đắng. Xuất khẩu nhiều nhưng giá không tương xứng, chỉ bằng gần một nửa so với các nước trong khu vực. Nhìn sơ qua cũng có thể thấy lời lãi chả đáng bao nhiêu so với đồng tiền bỏ ra đầu tư. 

Câu chuyện sâu xa hơn của việc xi măng trả giá, chính là việc đầu tư theo phong trào cách đây ít năm khi doanh nghiệp và các địa phương đều cố gắng chạy suất lập nhà máy, để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ nhờ những nhà máy xi măng hoành tráng. 

Những ý kiến tâm huyết với cảnh báo đã được đưa ra. Nhưng rồi, mọi thứ đều diễn ra như nó vốn phải thế. Sau cơn sốt, mọi người mới bắt đầu lờ mờ nhận ra bóng ma lỗ, nợ đang đe dọa sát sườn.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, chỉ riêng với số lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp xi măng không có khả năng trả nợ. Do nhiều dự án vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, nên Bộ Tài chính buộc phải trích Quỹ trả nợ nước ngoài để trả thay.

Nhìn vào tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án xi măng đến cuối năm 2011 chỉ thấy con số 1,365 tỷ USD của với 16 dự án. Dự án mới hoàn thiện được ít lâu nhưng việc thua lỗ đã được nhìn thấy rõ. Riêng 4 dự án chết treo với dư nợ 228,75 triệu USD gặp khó khăn trong việc trả nợ, phải nhờ Bộ Tài chính oằn lưng giúp sức. Nước nghèo nhưng quá nhiều gánh nặng bám vào bầu vú ngân sách.

Vơi doanh nghiệp không được tận dụng bầu sữa ngân sách, tình hình bi đát hơn nhiều. Như với Vinaconex, nhiều cổ đông của đơn vị này đã rất bức xúc vì trong hai năm liền, không được hưởng bất cứ một đồng cổ tức nào. 

Năm 2012, các cổ đông vẫn tiếp tục chịu cảnh đầu tư “từ thiện” do Vinaconex không đủ sức gánh lỗ cho nhà máy xi măng. Cục nợ chỉ được dứt bỏ khi Vinaconex cắn răng bán lại cho Viettel 70% cổ phần. Tương lai xán lạn có trở lại khi cục nợ khủng được chuyển sang tay của Viettel vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Điều đáng suy ngẫm hơn cả chính là việc cái giá cuối cùng nào cho các dự án xi măng đổ bể vì đầu tư theo phong trào. Đất nước được gì khi những đồng tiền thuế của người dân phải “rơi vãi” một phần để trích trả nợ thay cho các dự án xi măng thua lỗ. 

Nền kinh tế cũng được gì khi đất nước mất tài nguyên do xuất khẩu xi măng. Tiền của nào đổ ra để bù đắp lại cho các dự án gây ô nhiễm, tốn điện, than của nhà nước vẫn còn lơ lửng.

MỚI - NÓNG