Ghi ở vùng biên viễn: Giữ 'vùng xanh' nơi địa đầu

0:00 / 0:00
0:00
Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị làm thủ tục xuất cảnh với công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt. Ảnh: Duy Chiến
Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị làm thủ tục xuất cảnh với công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt. Ảnh: Duy Chiến
TP - Trên đường đi, vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng), Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) chúng tôi cảm thấy sức nóng càng tăng lên, ngột ngạt. Không chỉ vì thời tiết mà còn câu chuyện cơm áo, gạo tiền của chủ hàng, lái xe đường dài đang phải đối mặt với vấn nạn ùn ứ hàng hóa dài ngày tại biên giới...

Ngày nào cũng “hụt” người

Khác với mọi lần khi đến “cổng kiểm soát số 2” là được dẫn vào khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, lần này ô tô của chúng tôi được các chiến sỹ Biên phòng nghiêm cẩn ra hiệu lệnh dừng lại. Họ yêu cầu cho kiểm tra mẫu test nhanh COVID-19, nếu đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch mới được phép ra, vào khu làm việc của các ngành chức năng ở Hữu Nghị.

Đại úy Nguyễn Anh Tú, Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị pha ấm chè nóng mời khách, nghe thoảng lẫn mùi dầu hồi xứ Lạng. Mọi người bảo, tinh dầu hồi có tính chất trừ hàn, kiện tỳ, tiêu thục, sát trùng và diệt khuẩn.

“Lực lượng Biên phòng làm việc tại cửa khẩu Hữu Nghị đã mỏng nhưng phải đảm trách nhiều công việc như làm thủ tục xuất nhập cảnh, điều tiết phương tiện, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, tham gia phòng chống xuất cảnh trái phép, buôn lậu trên các điểm chốt nơi núi cao. Từ khi xuất hiện dịch COVID-19, đơn vị lại phải bố trí 6 cán bộ, chiến sỹ cùng lực lượng y tế địa phương chốt chặn tại khu vực “cổng kiểm soát số 2” nhằm kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện đi vào khu vực cửa khẩu”, Đại úy Tú giãi bày.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Tú vừa tranh thủ nắm bắt thông tin hàng ngày. Anh lo lắng cho biết, liên tục mấy hôm nay, tại Lạng Sơn xuất hiện ca bệnh và có chiều hướng gia tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn thông báo, ngày 7/12, địa phương có tổng số 50 người mắc COVID-19, trong đó 25 người thuộc đối tượng F1 chuyển F0, 17 người trong khu phong tỏa, 7 người phát hiện tại cộng đồng và có thêm 1 lái xe đường dài dương tính với SARS-CoV2.

“Mỗi lần có ca mắc COVID-19, cán bộ, chiến sỹ Biên phòng phải phối hợp với các lực lượng chức năng lập tức tiến hành truy vết, khoanh vùng dập dịch. Bản thân những người lính Biên phòng tiếp xúc với người bệnh buộc phải đi cách ly 14 ngày theo quy định. Bên cạnh cánh lái xe đường dài chở hàng nông sản đến cửa khẩu, thì nguy cơ khách xuất nhập cảnh nhiễm bệnh là người nước ngoài cũng rất lớn. Nhiều trường hợp khách xuất cảnh người Trung Quốc đã có kết quả âm tính ở Việt Nam, nhưng sau khi trở về bên kia biên giới phía bạn lại gửi thông báo phát hiện ra ca bệnh. Ví dụ, ngày 5/12 Trung Quốc thông báo phát hiện 5 công dân của họ nhiễm bệnh, ngày 6/12 có 12 người mắc COVID-19. Cứ như vậy, đơn vị phải phải truy cán bộ, chiến sỹ trong Đội làm thủ tục xuất nhập cảnh và như vậy, mỗi ngày phải có 1-2 người phải rời đơn vị đi cách ly. Thời gian gần đây, có trên 30 lượt cán bộ, chiến sỹ Biên phòng đi cách ly. Có những người vừa kết thúc đợt trước, sau vài ngày lại tiếp tục phải đi cách ly, điều đó khiến Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị luôn trong tình trạng hụt người”, Đại úy Tú nói.

Theo chúng tôi được biết, không chỉ có cán bộ, chiến sỹ Biên phòng nghỉ việc trên mười ngày vì dịch bệnh, mà Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị còn có sỹ quan phải rời xa đơn vị hàng tháng trời đi cấp cứu, chữa bệnh. Đó là trường hợp Thiếu tá Trần Công Đông, công tác tại Đội kiểm tra giám sát, trong một lần tham gia chốt chặn người xuất nhập cảnh trái phép “trốn kiểm dịch” trên đường mòn biên giới, anh đã bị xô ngã xuống vực sâu, bị thương nặng ở chân, chấn thương sọ não, vai.

Ghi ở vùng biên viễn: Giữ 'vùng xanh' nơi địa đầu ảnh 1
Biên phòng nhắc nhở công tác phòng chống dịch và thông quan hàng nhanh chóng. Ảnh: Duy Chiến

Ðối ngoại Biên phòng

Từ khi dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng phức tạp, lực lượng Biên phòng Hữu Nghị thường xuyên điện đàm, trao đổi với Trạm kiểm tra Biên phòng xuất nhập cảnh Hữu Nghị Quan, Trung Quốc.

“Khi có những sự việc cần phải trực tiếp hội đàm với bạn, Biên phòng Hữu nghị cử cán bộ và phiên dịch sang phía bạn thông báo ngày, giờ hẹn gặp nhau tại Km số 0, sát đường biên giới Việt- Trung. Thành phần tham gia đều phải trang bị quần áo bảo hộ, đeo kính chống bọt bắn, đeo găng tay và phải cách nhau 2 mét. Thời gian trao đổi tiến hành nhanh chóng, bỏ qua những thủ tục không cần thiết, tập trung vào công việc sáng rõ, cùng nhau thực hiện có hiệu quả”, Đại úy Tú kể lại.

Theo Đại úy Tú, gần đây việc trao trả công dân theo đường ngoại giao diễn ra thường ngày. Phía Trung Quốc trao trả cho ta khoảng 80 đến 100 công dân mỗi tuần, đa số là người nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp ở nước bạn. Còn ta trao trả cho bạn ít hơn, từ 4 đến 5 người, thường là đối tượng phạm pháp, mãn hạn tù ở Việt Nam.

“Điểm đặc biệt mà cả 2 bên áp dụng trong hoàn cảnh xuất hiện dịch COVID-19 là thay vì tổ chức hội họp, hoan hỷ gặp mặt trong những lễ tết trước đây thì nay chủ yếu thăm hỏi ngoại giao. Ví như, ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 và Quốc khánh Trung Hoa 1/10 vừa qua, hai bên đã gửi điện mừng cho nhau và không quên chúc chiến thắng bệnh dịch”, Đại úy Tú chia sẻ.

“Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, lực lượng chức năng công tác tại cửa khẩu Hữu Nghị luôn trong tâm thế chống dịch ở mức cao nhất. Dù có những khó khăn, vất vả, hy sinh nhưng người lính Biên phòng luôn giữ “vùng xanh” nơi tuyến đầu Tổ quốc”.

Ðại úy Nguyễn Anh Tú,

Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

Tăng cường phòng, chống dịch

Theo báo cáo của Biên phòng Hữu Nghị, lưu lượng người xuất nhập cảnh khá đông, cùng với đó là khoảng trên 1.000 chủ hàng, lái xe đến khu vực cửa khẩu làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nên công tác phòng chống dịch được các ban, ngành chức năng đặc biệt quan tâm, triển khai.

Theo Đại úy Tú, kể từ giữa tháng 11/2021, phía Trung Quốc nắm được tại khu vực thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc có ca dương tính COVID-19. Ngay lập tức các biện pháp phòng chống dịch được siết chặt và họ tạm dừng việc thông quan hàng hóa, xuất nhập cảnh qua biên giới một ngày. Về phía ta cũng triển khai chống dịch ở mức cao nhất. Tất cả cán bộ, chiến sỹ Biên phòng đều phải mặc bộ đồ bảo hộ, đội mũ chống bọt bắn, đeo găng tay. Đơn vị bố trí 3 ca làm việc liên tục từ 6 giờ 30 phút sáng đến 18 giờ hằng ngày.

“Ngày trước, Đội thủ tục và Đội kiểm tra, giám sát ăn, ở chung trong đơn vị, nay chúng tôi tách ra và bố trí thoáng 2 người/phòng. Ăn cũng theo ca, tổ riêng biệt, không tập trung đông người. May mà những người lính Biên phòng ở cửa khẩu quốc tế đã được rèn luyện chính quy, bài bản nên việc áp dụng những điều kiện mới, anh em đều thích nghi nhanh chóng và luôn hoàn thành tốt các công việc được giao”, Đại úy Tú nói.

MỚI - NÓNG