Thời chưa quên
Vào dịp 3/3 những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tôi được lãnh đạo Tạp chí Xứ Lạng (Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn) giao đi thực tế, viết bài về lực lượng biên phòng. Tháng giêng ở Lạng Sơn thường có những cơn mưa bụi kèm theo thời tiết buốt giá. Trên con đường bé nhỏ nhão nhoét bùn lầy xung quanh là đồi núi nhấp nhô dẫn tôi đến Trạm kiểm soát biên phòng Cổng Trắng (trạm biên phòng Cốc Nam, huyện Văn Lãng bây giờ).
Nhác thấy tôi, đại úy Hải (thường gọi là Hải Bạc), Trạm trưởng Biên phòng Cổng Trắng đon đả cất tiếng chào: “A, thằng em đồng hương. Lên thăm anh đúng ngày mưa gió!”. Anh Hải và tôi cùng sinh ra, lớn lên ở phố núi Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn). Đại úy Hải xăng xái đưa tôi bước vào dãy nhà 3 gian trát vách đất và ván liếp bao bọc.
Anh Hải giới thiệu: Từ khi hai bên biên giới Việt- Trung nối lại mối quan hệ bang giao, cư dân biên giới qua lại thăm thân, mang vác hàng “tâm lý” (gồm những nhu yếu phẩm hàng ngày như: Bia Tàu, chăn con công, đài cát-xéc, giầy tất... từ Trung Quốc về. Còn phía ta mang sang nước bạn các loại rắn, rùa, ni-ken, đồng). Ngày đó, vác một cái đài “sáp 555” từ bên kia biên giới về Lạng Sơn, thu lãi gần chỉ vàng nên rất đông người đi buôn.
Dẫn tôi đến khu vực sát biên giới, đại úy Hải cho thấy một cái bàn nhỏ, ba người lính biên phòng gác, kiểm soát người qua lại biên giới. Tấm thẻ chứng minh thư là người dân biên giới được đi qua “trạm Cây Tre”. Ngày đó, duy nhất chỉ lực lượng biên phòng đứng chân trên địa bàn. Con đường độc đạo nối từ Cổng Trắng qua Lủng Nghịu thuộc trấn Bắng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc bé như vệt rắn bò, bùn sình lầy khó đi.
Đại úy Hải cho biết, lực lượng biên phòng địa phương được đào tạo cơ bản, khi làm việc trong thực tiễn thì học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
“Qua công tác, chúng tôi đã ngăn chặn được một số người không thuộc đối tượng qua lại biên giới và tiến hành bắt giữ vài người buôn lậu, hàng cấm. Hàng tháng, chỉ huy cấp trên xuống kiểm tra, động viên anh em trong việc giữ vững đường biên mốc giới cũng như tạo điều kiện cho đồng bào qua lại, củng cố mối quan hệ láng giềng hai nước Việt- Trung”, Đại úy Hải nói.
Tết trên điểm chốt
Tổ chốt biên phòng 05-06 nằm kề cạnh Trạm kiểm soát biên phòng Cổng Trắng- Cốc Nam. Từ khi có dịch bệnh COVID-19, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị bố trí 11 lán trại cắm chốt dọc biên giới Việt- Trung từ mốc 1107 đến mốc 1110, làm nhiệm vụ chống buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép.
Trung tá Bùi Hoài Nam, cán bộ công tác tại điểm cao 05-06 cho biết, trong dịp tết vừa qua, ngoài cơ số anh em chuyên nghiệp thì đơn vị có thêm bảy chiến sỹ trẻ thuộc Học viện Biên phòng đến tăng cường.
“100% quân số trong đơn vị đều phải trực tết và làm nhiệm vụ trên địa bàn biên giới. Vào thời khắc giao thừa, anh em chúng tôi quây quần bên chiếc đài nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết. Cánh lính già thì khoác vai, an ủi động viên lính trẻ để các em khỏi tủi, nhớ nhà. Đêm trên điểm tựa, thời tiết se lạnh, gió thổi thốc má làm chén rượu xuân thêm nồng ấm, mới thật thiêng liêng, xúc động xiết bao”, Trung tá Nam kể lại.
Dẫn chúng tôi qua những những khúc cua, trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo rậm cây rừng, Trung tá Nam chỉ cho thấy những luống rau cải, xu hào xanh tốt được trồng xen hốc đá, trên mảnh đất cạnh lán trại. Anh cho biết, trong nửa tháng tết, đời sống bộ đội được đảm bảo, cải thiện nhờ việc tăng gia, lao động, sản xuất.
“Sau khi đi tuần tra biên giới trở về, cán bộ chiến sỹ cùng nhau vỡ đất, tìm cây xanh ủ làm phân để trồng rau. Mỗi ngày, cũng thu hoạch được vài ki-lô-gram rau, tạm đủ dùng cho bữa cơm bộ đội. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, đơn vị đã có trên 20 con chim bồ câu, gần 30 con gà, chó vài chục con”, Trung tá Nam nói.
Theo trung tá Nam, ở ven núi đồi nơi đơn vị đóng quân có các loại rau như sâm đất, ngót rừng mọc tự nhiên cho nguồn rau xanh sạch, bổ dưỡng. Đặc biệt, mảnh đất này có rất nhiều cây chè xanh, chiến sỹ biên phòng hái búp non, pha nước uống rất tiện.
Đường tuần tra mùa xuân
Bắc Xa là xã biên giới, nằm ở phía Đông bắc của huyện Đình Lập, nơi có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 33km.
Trung tá Đặng Thành Long, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bắc Xa cho biết: Địa bàn đơn vị đóng quân là nơi đầu nguồn của sông Kỳ Cùng chảy ngược từ huyện Đình Lập qua các huyện biên giới của Lạng Sơn sau đó chảy sang nước bạn Trung Quốc.
“Từ khi có dịch COVID-19, trên tuyến biên giới Lạng Sơn có 156 lán trại với hàng trăm cán bộ, chiến sỹ ứng trực 24/24 giờ. Tất cả cán bộ, chiến sỹ đều trực trên điểm tựa, góp phần giữ bình yên cho đất nước vào xuân”, Đại tá Trinh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ đội biên phòng Lạng Sơn
"Bắc Xa có 14 thôn bản, hơn 300 hộ/1.500 nhân khẩu. Với địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Bắc Xa còn được biết đến là xã có nhiều cột mốc biên giới (40 cột mốc), trong đó có những cột mốc nằm trên đỉnh đồi cao, được xây dựng kiên cố như mốc 1297 và 1300. Hai mốc này nổi tiếng về độ cao cũng như cảnh quan hùng vĩ, có con đường bê tông dọc theo đường biên giới. Hàng ngày, lực lượng Biên phòng đồn Bắc Xa tổ chức tuần tra hai bên con đường, lau nở rộ khiến khung cảnh nên thơ và lãng mạn”, Trung tá Long cho hay.
Cô giáo Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên- huyện Cao Lộc bày tỏ: “Nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc, thực hiện chương trình “Hành trình mùa Đông - Xuân biên cương Tổ quốc”, thầy và trò nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, chúc tết đối với những người lính Biên phòng và đồng bào xã khó khăn Bắc Xa.
Cô Phương xúc đông kể: “Thầy và trò được trải nghiệm cùng những người lính Biên phòng tuần tra biên giới với khung cảnh có những bông lau rung rinh, phất phơ trong gió. Những quả đồi lúp xúp trên đường dẫn lên cột mốc, tạo cảm giác thật đẹp, thân thương. Mỗi chuyến đi như vậy, chúng tôi cảm thấy đất nước mình thật đẹp nơi địa đầu Tổ quốc”.