Miệt mài trong từng phiên chợ
Trước đây chợ Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) chỉ mở vào ngày “những con có sừng” trong 12 con giáp là ngày Sửu và ngày Mùi nên còn được gọi là “chợ sừng”. Với cách tính này, cứ 6 ngày chợ họp một lần. Về sau, để tiện cho việc quản lý cũng như thông thương hàng hóa, chợ được quy hoạch lại và định ngày họp chợ vào Chủ nhật hằng tuần.
Vì thế, sáng sớm ngày Chủ nhật, “nhà báo vùng biên” là các chiến sĩ Biên phòng cùng cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm công việc biên tập, biên dịch và phát thanh viên lại vận chuyển thiết bị nghiệp vụ cùng xuống chợ để “làm báo” trong 60 phút. Cùng thời điểm đó, các “nhà báo” Biên phòng ở 10 cụm loa truyền thanh các xã biên giới khác của Lai Châu cũng sẵn sàng lên sóng với các thứ tiếng: Việt, Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Mảng...
Trong căn nhà nhỏ giữa chợ - “đại bản doanh” của Đài truyền thanh Dào San, với trang thiết bị “làm báo” nhỏ gọn gồm một cặp tăng âm, đầu đĩa và 4 chiếc micro. Đây có thể coi là cụm loa truyền thanh Biên phòng có tuổi đời lâu nhất trên toàn tuyến biên giới vì đã miệt mài hoạt động hơn 10 năm có lẻ.
Những tin tức cập nhật về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những phương pháp chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... qua giọng đọc của những người lính Biên phòng và cán bộ văn hóa xã Dào San đã được tuyên truyền tới những người dân nơi đây một cách hết sức hiệu quả.
“Chúng tôi bố trí 15 phút thời lượng là các bài hát ca ngợi quê hương, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sau đó tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh và cách phòng, tránh. Bản tin cũng có nội dungđộng viên bà con tham gia ngăn chặn, tố giác các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép để bảo vệ bản làng trước dịch bệnh. Những ngày đầu còn chưa hiểu, sau bà con ý thức rất tốt, mỗi lần đến chợ đều mang khẩu trang và tuyệt đối không vượt biên sang nước bạn làm thuê”, anh Mà A Lủ, phát thanh viên của Đài truyền thanh xã Dào San cho biết.
Sĩ quan Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu |
Mang thông tin quý tới đồng bào
Trên tuyến biên giới của tỉnh Đắk Nông, với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, ra tận rẫy”, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền cho người dân để xây dựng “mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch”.
Lịch phát thanh là ngày 2 buổi, từ 5 đến 6 giờ 30 phút và từ 17 đến 18 giờ. Lịch vừa tiếp phát chương trình của đài tỉnh, đài huyện, vừa thông tin chung về các vấn đề của xã, trong đó chú trọng những bản tin phòng chống dịch được phát cùng với những chương trình tuyên truyền, phổ biến Luật Biên giới quốc gia và các quy định bảo vệ đường biên, cột mốc để bà con nắm và thực hiện. Cũng như các cụm loa truyền thanh Biên phòng khác, biên tập kiêm phát thanh viên ở tuyến biên giới này là những “nhà báo không chuyên” mặc áo lính.
Theo Thiếu tá Doãn Văn Tiến, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An, nội dung tuyên truyền được biên dịch, thu âm bằng tiếng dân tộc thiểu số. Mỗi ngày, đơn vị tuyên truyền khoảng hai giờ (sáng từ 5 giờ 45 phút đến khoảng 6 giờ 45 phút; chiều từ 17 giờ 15 phút đến 18 giờ 15 phút) ở các thôn, làng. Tại các khu vực trung tâm, cán bộ phụ trách sẽ chạy xe chậm và phát nhiều lần các nội dung tuyên truyền để người dân nghe, hiểu và tự giác chấp hành.
Theo thời gian, những người lính Biên phòng đến rồi đi theo quy định luân chuyển cán bộ của lực lượng, phát thanh viên tiếng dân tộc bản địa từ những thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp giờ đã thành thiếu phụ và đội ngũ cán bộ cơ sở cũng sắp thành già bản. Vậy nhưng, 117 cụm loa Biên phòng trên các tuyến biên giới, biển đảo chưa ngày nào ngừng phát sóng. Gần 1.000 chiếc loa lưu động vẫn theo người lính ra rẫy, lên nương và vào từng xóm ấp, thôn bản…
Trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh ở biên giới Tây Nam, ngày ngày vang lên tiếng loa bằng tiếng Việt và tiếng Khmer của các cụm loa Biên phòng được đặt tại Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây, Long Khốt và Mỹ Thạnh Tây thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An. Những chiến sĩ trẻ của các đơn vị và Đoàn Thanh niên xã, cán bộ văn hóa xã đã nối dài những cánh sóng phát thanh, truyền thanh, mang thông tin đến với đồng bào Việt Nam và Campuchia hai bên biên giới theo một cách hết sức đáng yêu và hiệu quả.
Ông Chay Khót ở ấp Ba Thu, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, chia sẻ: “Gia đình tôi có ruộng rẫy sát đường biên giới. Cả nhà thường xuyên ở lại đây để chăm sóc, bảo vệ nên nhờ tiếng loa biên phòng mà biết được nhiều thông tin hữu ích. Khi phát hiện trường hợp nào lạ trên địa bàn tôi nhanh chóng báo ngay cho các chú biên phòng và cán bộ xã để có biện pháp xử lý. Trong đợt dịch COVID-19, thấy ai có ý định vượt biên sang bên Campuchia hái măng, săn bắn trái phép tôi đều nhắc nhở, ngăn cản”.