Ghép tế bào gốc cứu sống trẻ bị bệnh tan máu

Bệnh nhân L.N.M. đã ổn định sức khỏe sau ghép tế bào máu cuống rốn.
Bệnh nhân L.N.M. đã ổn định sức khỏe sau ghép tế bào máu cuống rốn.
TP - Lần đầu tiên Bệnh viện Nhi T.Ư thực hiện ca ghép tế bào gốc máu cuống rốn chữa bệnh tan máu bẩm sinh mà mẫu tế bào gốc được vận chuyển từ TPHCM ra Hà Nội bằng xe chuyên dụng.

Bệnh nhi L.N.M. (10 tuổi) được phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh khi được 4 tháng tuổi. Bé thường xuyên phải đi bệnh viện để truyền máu vì lúc bấy giờ Việt Nam chưa thực hiện được ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn. Anh L.V.T, bố bệnh nhi có biết, khi M. được 3 tuổi thì anh đọc được thông tin Viện Huyết học và Truyền máu TPHCM có thể ghép được nên cả nhà khăn gói vào Sài Gòn với hy vọng mong manh con trai sẽ được chữa bệnh. Tại đây các bác sĩ tư vấn vợ chồng anh nên sinh thêm con để có thể sử dụng tế bào gốc máu cuống rốn ghép cho bé M.

Một năm sau đó, M. có thêm em trai, ngay sau khi em bé chào đời, các bác sĩ đã lấy máu cuống rốn của trẻ sơ sinh lưu trữ tại Ngân hàng tế bào gốc Mekostem (TPHCM). Nhưng phải đợi đến 6 năm sau, mẫu máu cuống rốn đó mới được ghép vào cơ thể bệnh nhân. Lý giải điều này, anh T. cho biết, Viện Huyết học và Truyền máu TPHCM ưu tiên ghép trước cho những bệnh nhân ung thư, trong khi bệnh của bé M. chưa quá khẩn cấp nên chờ mãi chưa đến lượt. Sau đó biết tin Bệnh viện Nhi T.Ư đã thực hiện được kỹ thuật ghép nên gia đình đưa con đến khám và làm các xét nghiệm.

TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Khoa Truyền máu (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, đây là ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại viện mà mẫu máu cuống rốn được chuyển từ TPHCM ra Hà Nội. Các chuyên gia đã sử dụng dung dịch bảo quản đạt tiêu chuẩn quốc tế vận chuyển mẫu trên xe chuyên dụng, đảm bảo chất lượng mẫu máu cuống rốn không bị ảnh hưởng.

May mắn đến với bệnh nhi M. khi các xét nghiệm cho thấy chỉ số hòa hợp giữa tế bào gốc của người hiến và người nhận là 100%, chất lượng tế bào sống hơn 80%. Bệnh nhân M. được đưa vào phòng vô trùng, cách ly hoàn toàn với mọi người. Sau đó các bác sĩ dùng hóa chất diệt tế bào tủy của M. để chuẩn bị cho công đoạn ghép tế bào gốc của em trai. Lúc này, bệnh nhi đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn vì không còn tủy, hệ miễn dịch rất kém. 

Thức ăn được mang vào phòng cho người chăm sóc bệnh nhân ăn đều phải qua máy chiếu diệt khuẩn để đảm bảo an toàn. Lúc này do sức khỏe yếu nên trẻ không ăn được, phải nuôi bằng đường tĩnh mạch. Sau 15 ngày các xét nghiệm cho thấy tế bào tủy xương cũ đã hết, bác sĩ mới truyền tế bào gốc của người cho vào cơ thể người nhận.

Sau khi ghép sức đề kháng của bệnh nhân vẫn chưa có nên bác sĩ liên tục chỉ định truyền máu và sử dụng thuốc chống thải ghép. Khó khăn xuất hiện khi cơ thể không còn miễn dịch, bệnh nhi bị nhiễm trùng do nấm rất nặng nề. Có thời điểm tưởng như không cứu vãn được tình hình khi bé M. bị tăng huyết áp, co giật, suy thận, đau đầu, nôn liên tục, tiêu chảy kéo dài. 

Hơn 1 tháng sau kể từ ngày ghép, mảnh ghép mới đã mọc, cơ thể sinh miễn dịch nên sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, xét nghiệm thấy tế bào tủy tốt, các dòng tế bào máu ngoại biên trở lại ổn định, giảm truyền máu.

Ngày 3/11, bệnh nhân đã được các bác sĩ cho xuất viện về điều trị ngoại trú trong tình trạng sức khỏe tốt. Anh T. cho hay về nhà bé M. ăn uống tốt, chơi đùa với các bạn bình thường và sẽ trở lại lớp học vào tuần sau.

Nói về thành công của ca ghép đặc biệt này, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: “Thành công của ca ghép có được là nhờ sự phối hợp toàn diện của các nhóm huyết học lâm sàng, nhóm tế bào gốc, huyết học xét nghiệm, các hệ thống labo, đơn vị chăm sóc ghép... Đặc biệt là nhờ cha mẹ bệnh nhân đã hiểu được bệnh của con để lưu máu cuống rốn em bé, phối hợp tốt trong thời gian ghép”. TS Thanh Mai chia sẻ, những bác sĩ, điều dưỡng của khoa Hồi sức Ngoại thực sự là những người làm nên điều kỳ diệu cho bệnh nhi khi họ đã dốc sức và kinh nghiệm để cứu bé M. vượt qua những thời khắc “cửa tử”. 

MỚI - NÓNG