Gãy cánh

Một góc nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: Nguyễn Bằng
Một góc nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: Nguyễn Bằng
TP - Những dự án đồ sộ vốn đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng/công trình được vẽ ra với kỳ vọng đi tắt đón đầu đưa doanh nghiệp trở thành những “đại bàng” của ngành chưa kịp tung bay đã xệ cánh, đắp chiếu chờ cứu trợ hàng nghìn tỷ đồng bổ sung khiến người dân, doanh nghiệp cảm thấy đau lòng.

Hệ lụy của tư duy nhiệm kỳ cũng như việc phân cấp mạnh mẽ nhưng lại thiếu cơ chế giám sát đã khiến nhiều nắm đấm thép, những cánh chim đầu đàn của khối doanh nghiệp nhà nước sa lầy, thậm chí rơi vào cảnh kiệt quệ khi những khối tiền hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư của nhà nước tan thành tro bụi. Điệp khúc xin bơm vốn, hỗ trợ tiền liên tục được lặp lại khiến các bộ ngành liên quan đau đầu.

Những công trình thế kỷ này được đầu tư hoành tráng với bao kỳ vọng tốt đẹp ban đầu nay như những “con nghiện” liên tục cần thêm vốn nếu muốn hoạt động trở lại. Điển hình cho trường hợp ném tiền qua cửa sổ là trường hợp hơn 4.500 tỷ đồng được rót cho dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 sau gần 10 năm, nay số tiền thành đống sắt hoen gỉ hay như trường hợp nhà máy Đạm Ninh Bình đầu tư 12.000 tỷ đồng nhưng vừa đi vào hoạt động đã hỏng hóc, lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng. 

Điều đáng nói nhiều dự án bị đánh giá không có cửa sống khi càng sản xuất càng lỗ như dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí - PVTex); Hai nhà máy sản xuất cồn Ethanol ở Quảng Ngãi...

Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu các cơ quan quản lý trước đó biết lắng nghe ý kiến góp ý, đặc biệt là biết nói không với tiêu cực khi phê duyệt dự án, thì giờ sẽ không bị mắc kẹt trong tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội” với những dự án nghìn tỷ đồng chết yểu như hiện nay. Lời đề nghị cần tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi các bộ chủ quản một lần nữa cho thấy cần sớm phải thực hiện. 

Trao đổi với Tiền Phong, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng việc Thủ tướng có chủ trương chưa thông qua các đề xuất của Bộ Công Thương về việc giải cứu Tổng công ty Thép Việt Nam (TISCO) đang bị mắc kẹt với dự án Nhà máy thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, và cân nhắc cả phương án bán lại TISCO là dấu hiệu tích cực cho thấy lãnh đạo Chính phủ đã lắng nghe những ý kiến của dư luận. 

Theo ông Tuấn, chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam đang bị “tha hóa” nghiêm trọng bởi đội ngũ làm công tác tham mưu trong các bộ, ngành. Điều này dẫn đến nghịch lý: Nhiều chính sách phát triển công nghiệp tại Việt Nam đã đổ bể nhưng những người xây dựng, phê duyệt các chính sách đó ở các bộ ngành lại không thấy có ai phải chịu trách nhiệm.

Một xã hội, một đất nước muốn phát triển, không phải đối mặt với tình trạng doanh nghiệp “gãy cánh” thì trước tiên lãnh đạo các cơ quan quản lý phải biết nói không với tiêu cực đồng thời tính minh bạch, trách nhiệm giải trình phải được đặt lên hàng đầu. 

Chỉ khi đó, đất nước mới tránh được những “cái chết được báo trước” của những dự án khủng khiến doanh nghiệp kiệt quệ, nền kinh tế bị ảnh hưởng, các nhà quản lý cũng không còn phải đối mặt với tình trạng loay hoay tìm cách “sửa chữa” các sản phẩm nghìn tỷ đồng bị lỗi nói trên.

“Chúng ta phải biết thà đau một lần còn hơn là phải dùng tiền nuôi mãi các dự án này về sau. Cái nào đáng chết thì cần phải cho chết”, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ KH-ĐT nói tại cuộc tọa đàm do báo Tiền Phong tổ chức ngày 20/5.

MỚI - NÓNG