Gặp nhau cuối năm bị chê nhạt, bị phản ứng vì đâu?

Cố gắng đổi mới nhưng "Gặp nhau cuối năm" 2020 chưa gây ấn tượng với khán giả
Cố gắng đổi mới nhưng "Gặp nhau cuối năm" 2020 chưa gây ấn tượng với khán giả
TPO - Kể chuyện làng Vũ Đại trên sóng “Gặp nhau cuối năm” trong đêm giao thừa, tuy nhiên dường như format mới này chưa thuyết phục nhiều người xem. Nhiều khán giả chê chương trình “nhạt, nhảm”.

Có yếu tố nhảm, dung tục

Gặp nhau cuối năm 2020 kể chuyện làng Vũ Đại thời hội nhập, ở đó người dân làng bị mục tiêu phát triển làm du lịch, phát triển kinh tế nên bất chấp đánh đổi những giá trị truyền thống.
Người làng là những nhân vật quen thuộc bước ra từ các tác phẩm văn học, điển tích sân khấu như Lão Hạc (NSƯT Quốc Khánh), Thị Màu (Vân Dung), Thị Nở, Chí Phèo (NSƯT Xuân Hinh), Xuân tóc đỏ (NSƯT Xuân Bắc), bà Phó Đoan (NSƯT Thanh Thanh Hiền), Mõ (NSƯT Quang Thắng).

Trong và sau chương trình Gặp nhau cuối năm lên sóng 20h tối 30 Tết (24/1), nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc nuối, thất vọng với format mới thay thế Táo quân. Mượn chuyện xưa nói chuyện nay, tuy nhiên những người thực hiện và nghệ sỹ lạm dụng cách chọc cười sinh lí, sử dụng quá nhiều ngôn từ nhạy cảm.

Gặp nhau cuối năm bị chê nhạt, bị phản ứng vì đâu? ảnh 1 Xuân Hinh-Thanh Thanh Hiền là yếu tố mới, tuy nhiên Xuân Hinh gây phản ứng vì nhiều ngôn từ nhạy cảm

Gặp nhau cuối năm dù muốn hay không cũng là chương trình cả gia đình xem, bởi khung giờ phát sóng 20h. Thế nên những tiếng chửi thề, những chỗ nhấn nhá quá đà gây phản ứng là chuyện dễ hiểu.

Chẳng hạn khi Xuân tóc đỏ (Xuân Bắc) hỏi Thị Màu (Vân Dung) xem “đặc sản” của cô là gì, Vân Dung không ngại nói “sinh con ngoài giá thú”. Ở đoạn khác Xuân Hinh nói về chuyện ăn mặc hở hang nhưng lại nhắc các cô lấy cái lá “che cửa a xít” cùng với hành động minh họa trực quan.
Khi Thị Màu ra hỏi “có phải xưng danh không nhỉ”, Chí Phèo của Xuân Hinh không ngại nói Thị Màu là con Phú Ông, rằng Phú Ông đẻ con ra không dạy để “con gái đi lông nhông cả đêm, mà đàn bà con gái đi chơi đêm ai để cho về không bao giờ”.

Một trong những từ nặng nhất là khi Quang Thắng giải thích về mong muốn của khách du lịch tới nghỉ dưỡng muốn có lò sưởi trong nhà, nghe nhạc giao hưởng và nướng khoai xong người ta “hứng lên...”, Xuân Hinh cắt lời và dùng từ “n*ng” gây tranh cãi. 

Gặp nhau cuối năm bị chê nhạt, bị phản ứng vì đâu? ảnh 2 Gặp nhau cuối năm có nhiều đoạn đề cập thản nhiên chuyện giết chóc

Gặp nhau cuối năm 2020 nhắc quá nhiều tới chuyện “cướp, giết, hiếp”, trong đó có những đoạn nhắc tới việc giết chóc để tạo sự thu hút cho làng Vũ Đại. Tất nhiên chuyện nêu ra để rồi đi tới lựa chọn nói không với những hình thức tiêu cực ấy, tuy nhiên chuyện này được nhắc lại nhiều lần, khán giả đương nhiên thấy không vui. Đó càng không nên là yếu tố được đem ra mua vui, nhất là trong thời đại con người manh động hơn, đôi khi xuất phát từ những trò đùa trên mạng.

Nhà báo Nguyễn Lưu nhận xét trên Tiền Phong và chương trình Gặp nhau cuối năm thời gian qua nhiều khi “sa đà vào dung tục rẻ tiền” trong khi đáng ra với vị thế của đài quốc gia, nghệ sỹ nên phát huy tiếng cười sây cay, trí tuệ hơn là chọc cười sinh lý.

Chưa vượt qua bóng Táo quân
Táo quân với bề dày 16 năm có không ít mùa gây ấn tượng, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Những người thực hiện sau 16 năm làm Táo quân thực sự muốn “thay máu”, đổi mới format cũng như cách thức thể hiện chưa thuyết phục. Màn các tiết mục thực cảnh, múa ballet... kết hợp khá rối, thậm chí có khán giả nói rằng như “lẩu thập cẩm”.

Mượn chuyện xưa nói chuyện này, Chuyện làng Vũ Đại thời làm homestay dù không phải hình thức các màn chầu báo cáo, tuy thế những người thực hiện vẫn lồng vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong năm. Chẳng hạn chuyện trễ tiến độ của đường sắt trên cao, bụi mịn, nước nhiễm dầu bẩn. Thậm chí nghệ sỹ đá đưa cả câu chuyện hai thùng các tông hoa quả chứa 2 triệu USD nhận hối lộ năm qua. 

Gặp nhau cuối năm bị chê nhạt, bị phản ứng vì đâu? ảnh 3 Phần nghệ thuật đan xen bị cho là "lẩu thập cẩm"

Loạt tiêu cực được nhắc tới còn có nạn câu like, truyền thông bẩn với câu chuyện khỏa thân tai tiếng, bán hàng lừa đảo... tuy nhiên dường như kịch bản Gặp nhau cuối năm chưa đủ vững để nói mạnh, nói trúng nhiều tâm tư của người dân. Vai trò của nghệ sỹ không chỉ là phản ánh hiện thực-hiện thực đầy đủ và no nê trên các phương tiện thông tin truyền thống- mà thông qua tác phẩm họ cần đưa ra sự dự báo, cảnh tỉnh cũng như thông điệp khiến người xem tâm phục khẩu phục.

Gặp nhau cuối năm bị chê nhạt, bị phản ứng vì đâu? ảnh 4 Dàn nghệ sỹ Gặp nhau cuối năm chưa tạo đột phá
Gặp nhau cuối năm 2020 thiếu điểm nhấn. Câu chuyện làng Vũ Đại với những Chí Phèo, Lão Hạc, Xuân Tóc Đỏ, Nô-Thị Màu xoay quanh chuyện chặt, đập bỏ những thứ gắn liền với truyền thống được kể còn lan man. Nghệ sỹ dù cố “bắt trend” nhả những câu thành xu hướng “làng tao bao việc”, nhưng còn đó những câu cửa miệng, những câu thoại tung hứng quen tai thiếu đột phá nên không còn gây bất ngờ, thích thú nữa.

Làm hài không đơn giản, tuy nhiên cứ xem sức sáng tạo trên các Vlog thời gian qua để thấy nghệ sỹ không tự làm mới mình sẽ dễ đi vào lối mòn, trong khi nhu cầu thẩm mỹ và thưởng thức khác xưa rất nhiều. Không thể chỉ mãi gây cười bằng cách sử dụng ngôn từ nhạy cảm, chọc cười sinh lí nữa rồi. Trong mỗi tiếng cười cần có thông điệp, bài học và những điều ngẫm ngợi. Đó luôn là điều khán giả mong mỏi và đòi hỏi ở nghệ sỹ.

MỚI - NÓNG