Gặp lại ông Quách Lê Thanh

Gặp lại ông Quách Lê Thanh
TP - Vừa rồi, ngó qua mấy tờ báo ngày hay click chuột vào mạng, thấy giăng giăng những tít đậm nhạt quanh đôi vụ trả lại tiền chạy chức, chạy quyền. Bỗng dưng tôi sực nhớ đến một người: Ông Quách Lê Thanh. 

Đó là sự kiện cách đây mấy năm, ông Tổng thanh tra Nhà nước Quách Lê Thanh trả lại 110 triệu đồng của kẻ không phải chạy chức mà là chạy tội. Cái ông từng là quan có họ Quách ấy bây giờ đang ở đâu?

Gặp lại ông Quách Lê Thanh ảnh 1
Ông Quách Lê Thanh (bên trái) và tác giả tại nhà của ông Thanh ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Ảnh: Trịnh Tuấn

Tôi lẩn mẩn giở lại đoạn băng ngày ấy đã thâu, buổi ông Quách Lê Thanh bộc bạch trước sự có mặt của nhiều ký giả sau khi sự việc “bung” ra: “Trong những ngày này, tôi đã tự thống kê lại cuộc đời mình cho đến nay. 20 tuổi được vào Đảng, 30 tuổi làm Bí thư Huyện ủy, 38 tuổi làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa... cho đến giờ thì tổng cộng có 11 lần lên chức, 1 lần tự xuống và chắc lần này phải xuống, vậy thì trừ đi vẫn còn 9 lần lên chức.

Lần tự xuống là lần đang là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa tôi xin xuống làm Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy quê tôi. Lần đó có cả tự ái và tự giác. Lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc đó hỏi, tôi trả lời như thế. 

Tự ái là vì khi các bác lớn tuổi ở tỉnh mất đoàn kết, các bác bảo cháu lên vì cháu là người dân tộc, lại đang trẻ thì cháu vô tư cháu nhận làm vì nghĩ là yên rồi. Không ngờ, các bác tiếp tục mất đoàn kết rồi kéo cháu vào mà trình bày thế nào thì trên vẫn cứ bảo mày phải có trách nhiệm. 

Lúc ấy, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nói cậu tính thế nào, hay ra T.Ư làm Phó Ban Dân tộc, hoặc làm Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách kinh tế, không làm thường trực nữa.

Tôi nói, T.Ư điều ra bây giờ thì em xin không đi, vì ra T.Ư lúc nào cũng mang cái tiếng gây mất đoàn kết rồi, em thì chưa đến 40 tuổi, mất đoàn kết được với ai? Em là người dân tộc, bố thì tổ phó sơn tràng, mẹ thì không biết một chữ, dòng họ thì không có ai làm quan, bây giờ có một tí chức thì mới kiếm được anh em chứ lúc đói khổ tìm có ông nào đâu.

Cho nên em tự giác xin về làm Bí thư huyện Cẩm Thủy để làm ra ngô ra khoai, nuôi được bò được lợn cho bà con. Người dân vùng dân tộc Cẩm Thủy cần em nhiều hơn chứ không gạt bỏ em như trên tỉnh. Còn bây giờ trên bảo không dùng nữa thì tôi lại về Cẩm Thủy như ngày  trước thôi...”.

Còn nhớ khi đó, nghe đến đoạn ông bộc bạch ấy, bỗng thoáng nhanh trong tôi một cảm giác chờn chợn... Hình như sự bộc bạch thẳng thắn và có phần chất phác ấy, hiệu ứng của nó mong manh thế nào?

Bây chừ thì, có lẽ mọi thứ đã an bài? Sau 11 lần lên chức và một lần xuống chức như ông từng bộc bạch thì sau sự kiện báo cáo cấp trên và giao nộp số tiền 110 triệu tiền của gã thuộc cấp Lương Cao Khải dùng để định chạy tội, lần ấy ông Thanh xuống chức thật!

Nói đúng hơn là ông về hẳn với quyết định nghỉ hưu. Mà về Cẩm Thủy, một miền quê heo hút của miền Tây Thanh Hóa chứ không tá túc cùng con cháu ở căn nhà thuộc phố Tây Sơn của quận Ba Đình.

Cẩm Thủy, tên thì bóng bẩy là thế nhưng từng hằn buồn và ám sâu vào ký ức những năm khốn khó. Ấy là bà con quê tôi, cứ vô đận sau Tết âm lịch lại đòn càn quang gánh ngược về xứ Cẩm Thủy để mua ngô mua sắn chống đói.

Hóa ra chả xa ngái như tôi tưởng. Từ ngã ba Láng Hòa Lạc, một khúc lộ thênh thang vo vo bánh xe lăn vừa thông lẫn thoáng của đường Hồ Chí Minh dẫn tôi về  huyện lỵ Cẩm Thủy hơn trăm hai cây số.

Đến thị trấn Cẩm Thủy đã thấy tấp nập du khách tìm về hang cá thần nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc ở xã Cẩm Lương mà Cẩm Lương chỉ cách cái bản Muốt của ông Thanh thuộc xã Cẩm Thành chỉ vài cột số... Hang hay suối cá thần Cẩm Lương có lẽ phải gọi là vưu vật mà Tạo hóa ban cho huyện miền rừng Cẩm Thủy của xứ Thanh này.

Ngày Quách tiên sinh còn tại vị, khá nhiều phu nhân lẫn người nhà của các quan chức đã đến Cẩm Lương. Thăm suối cá thần nhưng cũng không ít người ghé qua Cẩm Thành cách suối cá mấy cây số để biết thêm quê của ông Thanh...

Từ khúc quanh vào bản Muốt, tôi đã thoáng thấy cái dáng cao đậm của ông Tổng thanh tra hồi nào đang đứng ở bậc thang chót cùng dẫn vào ngôi nhà sàn ngay bên vệ đường.

Khách chủ chưa kịp ngó kỹ nhau, ông đã cất luôn cái chất giọng cố hữu vừa vang vừa khỏe ngày nào ơ, vị nào đến thăm tôi đớ... Bất giác tôi hơi ghen ghen với chất giọng vang khỏe lẫn cái cả cười sung mãn phát ra từ một cơ thể có thể coi là khá cường tráng ở độ tuổi sáu mấy kia. Sau cái bắt tay chắc nịch là một loạt thông tin hồ hởi. Huyết áp ổn định. Đường và mỡ trong máu đều ở mức cho phép.

Tóm lại khá hơn nhiều so với hồi ở ngoài đó... Mà âm thanh lẫn động thái hồ hởi thực lòng ấy diễn ra khoảng bầu không xanh biếc trong văn vắt sau trận mưa lớn hồi đêm. Bóng chiều xanh như tôn thêm vòm xanh của đám cọ đang kỳ khép tán chờm hờm lên lớp cọ khô  mái nhà sàn. Sắc xanh đậm của đám cây vườn lan xuống khoảng ao xanh lơ mà sau này tôi mới biết ông Thanh nuôi chép với trắm cỏ.

Câu chuyện của chủ lẫn khách cứ lúc đứt lúc nối khi ông Thanh dẫn đi coi cơ ngơi những là nhà sàn cùng vườn tược sân sướng mà ông mới tạo dựng mới chỉ vài năm nay.

Trước thời điểm ông lui về quê chỉ hơn một năm thì phải? Hóa ra trước đây ông không có nhà. Cũng có một ngôi nhà sàn chắc chắn bề thế nữa là khác ở bản Muốt này nhưng cái ngày hai mươi năm trước chuẩn bị ra Hà Nội ấy, ông đã cho bán đi. Những tưởng Hà thành là chốn dung thân cuối cùng mãn đời mãn kiếp. Ai  mà ngờ được rồi lại có ngày hồi cố?

Bản Muốt luôn rộng lòng bao dung với người con của bản. Chả biết làm những vương tướng chi chi nhưng cuối đời muốn về thì bản đón. Đón với đủ mọi nghĩa. Gần với ngôi nhà cũ, ông kiếm được đám đất hô đám con cháu họ mạc dựng nên cái nhà sàn đâu như 18 triệu này.

Ngôi nhà sàn mà ông Thanh dẫn đi coi khắp như lời ông giới thiệu tỉ mỉ, tuy không đầy đủ lệ bộ nhưng gần như là nguyên bản của người Mường. Nghiêng ngó một hồi, tôi thấy cái bộ ván ông dùng tiếp khách là giá trị nhất trong ngôi nhà sàn hẵng còn ọp ẹp này.

Thấy anh bạn đồng nghiệp cứ rờ rẫm bề dày của bộ ván cỡ 30 phân với bề dài năm sáu mét đóng bằng thứ gỗ chi đó đã lên nước bóng lọng, ông Thanh cười cho hay bộ ván được đóng bằng gỗ sú vân thị còn có tên nữa là gỗ sộp của rừng bản Muốt.

Câu chuyện trở lại cái thời xui xẻo của kỳ vận nước khó khăn. Rừng bản Muốt mỗi năm có thể khai thác 1.000m3 gỗ tứ thiết trên 1 triệu cây tre nứa và ít ra cũng 300 ngàn cây luồng phong phú rậm rạp ngày nào ngoảnh đi ngoảnh lại qua mấy năm của phong trào cây đổ dồn vang như tiếng pháo tàn phá khai thác bừa bãi, rừng bản Muốt nói riêng và Cẩm Thành lẫn cả Cẩm Thủy đã quang lâng sạch bách nhiều khoảnh rừng, bỗng chốc thành đất trống đồi trọc!

Rồi chuyện lại trở lại vận may cái thời giao đất giao rừng. Bản Muốt và cả Cẩm Thành nhiều năm nay đang xanh non trở lại. Bằng cớ là trước nhà sàn ông Thanh đã rậm rịt các loại cây. Tất nhiên để trở lại cái thời thịnh vượng xanh già của rừng cũng là phải còn xơi! Mà thời thịnh vượng ấy, cách có hơn 30 năm nay chứ mấy? Đời cây mà để hữu dụng được phải dằng dặc như một đời người chứ đâu bỡn?

Tụt xuống cầu thang, lúc theo ông Thanh dẫn đi coi cái cơ ngơi mới tạo dựng, tôi thấy ở góc khuất gầm nhà sàn có một khung cửa khép hờ. Hé ra thấy màu gạch men quen thuộc cung cách bài trí của nhà vệ sinh thành phố.

Một quãng ngắn là tiếp giáp với khu chăn nuôi. Lũ ngỗng trong vườn thấy người lạ cứ vống lên thứ âm thanh dõng dạc như hồi kèn đồng. Ngó lũ gà cùng bầy vịt ngan quần cư cùng đám ngỗng trên khoảng vườn hơi dông dốc thấy thích mắt nhưng lạ.

Ông Thanh nói, không biết thật hay vui rằng ông có cách cho chúng đoàn kết được với nhau? Tổng cộng cả bốn giống gia cầm ấy phải hơn trăm con chứ không ít. Ấy là nhà ông vừa bán đi một đợt. Qua  khoảng sân gia cầm, thứ mà chúng tôi sắp thấy đây mới là đáng kể. Hàng chục con lợn béo mầm cỡ dăm chục cân đến non tạ đang ủn ỉn trong khoảng sàn bê tông nhưng có lá cọ lợp ken bên trên.

Người nhà ông Thanh cho hay cũng là thứ bí quyết. Chuồng lợn mà lợp ngói hay phibrôximăng là kỵ lắm.  Lại cũng chợt nhớ ra, hơn hai mươi năm trước, ông Thanh lấy bằng kỹ sư nông nghiệp hệ tại chức. Đâu như nhà đã xuất chuồng hai lứa lợn. Mỗi lứa hơn một tấn. Trong chuồng hiện tại cỡ phải trên tấn rưỡi lợn. Mừng lẫn lo thay cho gia chủ. Nạn tai xanh đang hoành hành tàn bạo khắp tỉnh Thanh lẫn cả nước.

May sao thứ đại dịch ấy lại chưa hỏi thăm đến xứ Mường này. Nói dại mồm, hơn tấn rưỡi lợn phây phây như tranh này mà lăn đùng ra thì xót tiếc lắm. Nhẩm nhanh một con tính những giá cân hơi lẫn móc hàm thời giá lợn hiếm này, số lợn ông Thanh là cả một gia sản đáng kể. Đi qua một dãy hàng hiên thâm thấp tôi thích thú thấy ông chủ vỗ nhẹ lên một dãy các mẹ gà đang ấp.

Cái cười rổn rảng của ông đang phụ hoạ cho một niềm vui mà dễ chi người thành phố khó có. Đó là mỗi sáng ông dậy sớm đi một vòng để thanh tra từ ao cá khu gà vịt ngan ngỗng cũng đến số trứng gà trứng vịt. Ông thú thực không biết số lương thực của gia cầm là bao nhiêu nhưng mỗi bửng tưng tinh mơ cũng như những sậm chiều như thế, ông đã quen với dàn nhạc của lũ gia cầm mà nhạc trưởng là lũ ngỗng kênh kiệu đành hanh.

--------------------

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
TPO - Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đấu giá đất vừa qua tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức có hiện tượng một nhóm người tham gia đấu giá không có nhu cầu ở, mà để kinh doanh, đầu cơ, trả giá cao hơn giá thị trường sau đó bỏ cọc. Việc đầu cơ dẫn đến phức tạp trong quản lý đất đai.