Gặp “giám thị tố cáo tiêu cực thi cử” ở Hà Tây

Gặp “giám thị tố cáo tiêu cực thi cử” ở Hà Tây
Cán bộ coi thi từng lên tiếng tố cáo tình trạng lộn xộn công khai ở hội đồng thi (HĐT) Phú Xuyên A, tỉnh Hà Tây đã công khai danh tính. Ông là Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Tây.
Gặp “giám thị tố cáo tiêu cực thi cử” ở Hà Tây ảnh 1
Ông Đỗ Việt Khoa. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Việt Khoa cho biết:

Tôi là một giáo viên (GV) đã có 13 năm làm nghề dạy học. Cũng là 13 năm tôi tham gia công tác coi thi tốt nghiệp, chứng kiến cảnh coi thi, chấm thi của Hà Tây tại nhiều HĐT khác nhau. Tình trạng chung đều lộn xộn như thế. Càng ngày tiền “bồi dưỡng” cho cán bộ coi thi càng nhiều hơn.

Kỳ thi năm nay, mỗi HS ở HĐT Phú Xuyên A mà tôi đến coi thi nộp 150.000 đồng, cả trường có 702 HS, thử tính đã thấy lên tới cả trăm triệu đồng. Với 66 HĐT trên toàn tỉnh Hà Tây, số tiền thu của HS để chi phí cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là bao nhiêu.

Ở HĐT Phú Xuyên A, nơi tôi làm nhiệm vụ, mỗi cán bộ coi thi được bồi dưỡng 400.000 đồng và chi phí ăn uống 300.000 đồng/người. Tổng cộng là 700.000 đồng/người. Cán bộ coi thi được nhận tiền “bồi dưỡng” ngay từ ngày đầu...

Đã nhiều năm là người trong cuộc, chứng kiến hiện tượng thiếu nghiêm túc trong thi cử, tại sao kỳ thi năm nay ông mới quyết định tố cáo sự việc ở HĐT Phú Xuyên A?

Tôi không muốn tố cáo riêng gì HĐT này hay lên án nhằm vào một cá nhân hay một nhóm giám thị nào cả mà muốn lên tiếng để chấm dứt tình trạng lộn xộn chung trong thi cử và những tiêu cực khác của ngành giáo dục Hà Tây.

Có thể sẽ có ý kiến nói rằng ở các địa phương khác cũng diễn ra tương tự thế thôi. Nhưng ít nhất thì tôi cũng mong có thể chấm dứt tình trạng này ở Hà Tây.

Nhưng sau khi có ý kiến phản ảnh của tôi cũng như của báo chí về kỳ thi ở Hà Tây, đọc những ý kiến trả lời của giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây, tôi thấy cách trả lời của ông giám đốc không thuyết phục, không thể hiện quyết tâm xử lý tiêu cực kiên quyết.

Khoảng hơn 22g hôm 1/6 tôi có gọi điện cho Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long để trình bày sự việc. Tôi báo cáo với Thứ trưởng Long là tình hình thi ở Hà Tây rất lộn xộn, cụ thể là ở hội đồng nơi tôi coi thi.

Tôi nói với Thứ trưởng Long là muốn thu thập chứng cứ để trình cơ quan chức năng xử lý sau này, Thứ trưởng Long có khuyến khích tôi làm. Và từ buổi thi sáng ngày thi thứ hai tôi mới làm mạnh... Tôi thu được bài giải sẵn của môn toán, môn ngoại ngữ (tiếng Pháp). Tất cả những tài liệu này tôi đã nộp cho Bộ GD-ĐT.

Nhưng với chức trách là một cán bộ coi thi, tại sao ông không lập biên bản đối với những thí sinh (TS) vi phạm qui chế?

Tôi không lập biên bản TS nào vì nói thật một mình tôi thì không làm gì được đâu, có lập biên bản cũng không xuể. Tài liệu mang vào phòng thi và TS vi phạm qui chế, quay cóp... nhiều lắm.

Thêm nữa, khi đã có ý định thu thập bằng chứng về tình trạng lộn xộn thi cử ở đây, tôi cũng không muốn gây thêm sự chú ý.

Tôi đề nghị nên lấy những bài giải sẵn mà tôi nộp cho cơ quan chức năng mang đối chiếu với bài thi của các TS tại hội đồng mà tôi coi thi, tôi tin sẽ sớm tìm ra câu trả lời... và cho thấy sự việc nghiêm trọng như thế nào trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua tại Hà Tây.

Trong các tài liệu ông thu thập được tại HĐT Trường THPT Phú Xuyên A, có tài liệu hay dữ liệu nào chứng minh là bài giải được đưa từ bên ngoài vào và có tổ chức hẳn hoi?

Về phản ánh ở buổi thi môn toán diễn ra sáng 2/6, giám thị coi thi phát hiện cả thùng bài giải photo trong phòng phục vụ đang được chia để đi phân phát cho các phòng thi, ông Từ Ngọc Lĩnh - Chủ tịch HĐT này cho biết: Đó là thùng cactông đựng sữa mua về để phục vụ cán bộ coi thi chứ không đựng bài giải nào hết.

Ngoài những bài giải có sẵn của các môn thi đã nộp Bộ GD-ĐT, tôi còn một đoạn ghi âm cuộc đôi co giữa tôi, ông chủ tịch HĐT và ông thanh tra do sở cử về giám sát HĐT này ngay tại phòng ông chủ tịch HĐT.

Cụ thể sự việc như sau: hôm đó là ngày 2/6, buổi sáng trong giờ thi môn toán. Tôi là giám thị hành lang. Lúc khoảng hơn 9g, tức là đã hết quá nửa thời gian làm bài, trên đường đi ra nhà vệ sinh, tôi thấy xôn xao ở phòng phục vụ và nhiều người ra vào phòng này. Tôi rẽ vào thì thấy mọi người đang chia nhau các bài giải sẵn lấy từ một hộp cactông.

Tôi có cầm lấy bản photo và nhận thấy đây là bài giải của môn toán. Tuy nhiên, ngay lập tức ông thanh tra HĐT xuất hiện và tôi buộc phải ra khỏi phòng này. Chúng tôi đôi co và cùng đi lên phòng ông chủ tịch HĐT.

Tại đây chúng tôi có tranh cãi xung quanh việc ông thanh tra sở khăng khăng nói tôi là giám thị hành lang mà đi vào một phòng không đúng chức năng, đòi lập biên bản tôi.

Mặc dù tôi đã yêu cầu ông chủ tịch và ông thanh tra cùng xuống phòng phục vụ để kiểm tra sự việc nhưng cả hai người đã gạt đi và yêu cầu tôi quay trở lại vị trí làm nhiệm vụ.

Trước khi rời khỏi phòng chủ tịch HĐT, tôi có ký tên vào bài giải sẵn và nộp lại cho ông chủ tịch HĐT trước sự chứng kiến của ông thanh tra hội đồng. Ông chủ tịch HĐT còn mời tôi uống bia trước khi tôi rời khỏi phòng ông ấy...

Là người duy nhất lên tiếng trong khi hiện tượng lộn xộn, thiếu kỷ cương trong thi cử diễn ra khá phổ biến tại Hà Tây, ông có e ngại điều gì không?

Có chứ. Tôi e ngại áp lực từ đồng nghiệp và tôi có nghĩ đến việc lên tiếng tố cáo thế này có thể làm ảnh hưởng, thiệt thòi đến một số đồng nghiệp và học trò... Xung quanh việc này có những ý kiến lên án tôi.

Nhưng tôi xin hỏi chẳng lẽ ta duy trì mãi kiểu học hành, thi cử này chăng? Không lẽ cứ để tình trạng này kéo dài hết năm này đến năm khác, bao giờ mới chấm dứt?

Nếu có đồng nghiệp, học trò nào trách tôi, tôi chỉ mong các thầy cô và các em HS hãy hiểu việc làm của tôi và cùng tôi nói lên sự thật để chấm dứt tệ nạn thi cử trong giáo dục...

Ông kiến nghị Bộ GD-ĐT cần xử lý những sự việc ông phản ảnh như thế nào?

Tôi nghĩ quan trọng là họ có làm hay không thôi. Tôi rất mong bộ sẽ xử lý nghiêm minh để giải quyết dứt điểm tình trạng thi cử ở Hà Tây. Từ năm tới phải cấm các trường tổ chức ôn thi tốt nghiệp, thu tiền để “bồi dưỡng” giám thị...

Ngay năm nay, cần kiểm tra lại bài thi của Hà Tây, những bài thi giống nhau y hệt tức là có hiện tượng quay cóp phải bị hủy kết quả. Làm thế cũng đau xót vì có thể nhiều HS bị hủy nhưng phải làm thì một, hai năm nữa giáo dục mới vào nền nếp được.

Theo Thanh Hà - Quốc Thanh
Báo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG