Gặp bộ tứ quân sự thành ứng viên vô địch xe tự hành từ tờ rơi

Gặp bộ tứ quân sự thành ứng viên vô địch xe tự hành từ tờ rơi
TPO - Từ tờ rơi thông tin về cuộc thi nhận trước một ngày hết hạn đăng ký, các thành viên MTA Race4Fun (Học viện Kỹ thuật quân sự) mới tập hợp lập đội để đăng ký dự thi Cuộc đua số năm 2018 có chủ đề "Lập trình xe tự hành" và bất ngờ tiến sâu vào chung chung kết trở thành ứng viên cho chức vô địch. Hành trình lập kỳ tích đầy thú vị.

Vượt nắng, thắng mưa...

 MTA Race4Fun là team của bộ tứ Lại Tiến Đệ, Vũ Văn Việt, Vũ Công Minh, Dương Anh Trí. Tất cả đều chung Đại đội 351 Học viện Kỹ thuật Quân sự. Bình thường đã cùng ăn, học và tập luyện với nhau trong môi trường quân ngũ, bộ tứ này càng thêm gắn bó khi tham gia cuộc đua số từ tờ rơi thông tin.

 Lại Tiến Đệ kể, trước hôm hạn cuối đăng ký, nhà trường có phát tờ thông tin về cuộc thi cuộc đua số, nhận thấy trùng lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang quan tâm nên rủ các thành viên khác lập đội. "Rủ ba người, ba người đồng ý luôn và cùng xác định tinh thần học hỏi và chơi vui là chính nên lấy tên đội Race4Fun", Đệ nói.

Gặp bộ tứ quân sự thành ứng viên vô địch xe tự hành từ tờ rơi ảnh 1 Bộ tứ MTA Race4Fun Vũ Công Minh, Lại Tiến Đệ, Vũ Văn Việt, Dương Anh Trí (lần lượt từ trái sang phải)

 Với tinh thần đồng tâm nhất chí, bộ tứ MTA Race4Fun lên kế hoạch kỹ lương cho cuộc thi nhưng "cơ bản bắt đầu từ con số không" vì cả bốn người đều dân "ngoại đạo". Đệ, Việt, Minh học lớp Thông tin; Trí học Radar. Tuy học chuyên ngành điện tử viễn thông và vô tuyến điện có liên quan tới lĩnh vực thi về phần cứng, nhưng bộ tứ này mới học năm III với kiến thức cơ sở ngành nên chưa giúp được nhiều trong cuộc thi.

 Trong quá trình thi, vừa nghiên cứu thử nghiệm vừa rút kinh nghiệm. Không ít lần xác định sai nguyên nhân dẫn đến phương hướng giải quyết không đúng làm mất nhiều thời gian. Cả đội nhớ nhất lần cải thiện tốc độ của chương trình khi thấy hiệu năng không cao, nghi ngờ nhầm cho một modun là nguyên nhân chính và đo sai thông số mà mất rất nhiều công sửa mà vẫn bế tắc.

 Các thành viên trong đội đều cho rằng, khó khăn nhất của đội thời gian tập luyện vì đặc thù của môi trường quân ngũ và kỳ học có khối lượng lớn kiến thức. Đệ chia sẻ: "Thời gian nghiên cứu, luyện tập được cả đội tranh thủ những buổi đi học về sớm và những ngày cuối tuần. Từ khi vào vòng bán kết, cả đội xin phép nghỉ chế độ xem phim để tập trung từ 19 giờ đến 21 giờ, chứ không được thức xuyên đêm".

 Với tinh thần kỷ luật, quyết tâm của người lĩnh "vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập" mà MTA Race4Fun đã khéo léo vượt qua khó khăn. Một trong kỷ niệm ấn tượng nhất của đội là thiết kế đèn cho xe chạy thử nghiệm buổi tối, rồi cầm ô che cho xe chạy thử nghiệm vào ngày mưa.

Gặp bộ tứ quân sự thành ứng viên vô địch xe tự hành từ tờ rơi ảnh 2 MTA Race4Fun tiến sâu vào giải và trở thành ứng viên cho chức vô địch

 Từ đội đánh giá không cao, MTA Race4Fun của 4 thành viên ngoại đạo công nghệ thông tin như chú ngựa ô của giải vượt các đội vòng sơ loại của trường, vòng bán kết khu vực tiến vào chung kết. Nói về kết quả của MTA Race4Fun, các thành viên liên tưởng tới kỳ tích của các tuyển thủ Olympic Việt Nam tại giải bóng đá U23 châu Á. 

 Một trong những chiến thắng ấn tượng của MTA Race4Fun là cuộc ngược dòng trong vòng thi tìm kiếm đội thi đại diện trường gồm 7 đội thi đến từ các trường: Học viện KTQS, ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Từ vị trí thứ 4 trong vòng 1 "Năng lực xử lý hình ảnh" với số điểm khiêm tốn 8.6, MTA Race4Fun đã bứt phá trong hai vòng thi tiếp theo "Kỹ năng lập trình nhanh" và "Kiến thức công nghệ 4.0". Đây là hai vòng thi có lượng kiến thức lớn, kỹ năng cao và khả năng phản ứng nhanh nhạy chính xác. Chung cuộc, MTA Race4Fun đã ghi tên vào danh sách 20 đội dự vòng thi Chung khảo.

 Bất ngờ nổi tiếng

 Tham dự cuộc đua còn mang đến nhiều điều bất ngờ, thú vị cho các thành viên. Trong đó, thành viên có khuôn mặt khôi ngô Vũ Văn Việt trở thành hiện tượng của cả đội khi thành "người nổi tiếng khắp làng".  

 Việt quê ở Trực Ninh, Nam Định. Sau khi tham dự cuộc đua và tiến sâu vào trong giải, cậu được về quê. Dù có người biết, người không biết về cuộc đua số "Xe tự hành", nhưng ai gặp Việt cũng đều "chúc mừng mày nhé", "mày đi thi được giải thưởng thế, bố mẹ mày mừng lắm". Bố mẹ Việt cũng kể từ chỗ làm đến ngoài chợ, đi đâu cũng có người hỏi và chúc mừng có con ngoan học giỏi. Việt chia sẻ: "Sau khi đạt giải ở vòng loại, trên facebook có nhiều ảnh và video nên nhiều ở làng dùng facebook nhìn thấy mình và biết là con ông này bà kia ở làng. Lúc mới về, mình bất ngờ và ngại lắm".

Gặp bộ tứ quân sự thành ứng viên vô địch xe tự hành từ tờ rơi ảnh 3 Từ cuộc đua số "Xe tự hành", thành viên MTA Race4Fun được nhiều người biết đến

 Bên cạnh đó, các thành viên cho rằng với cuộc thi, các thành viên đã có thu nhận và trải nghiệm kiến thức lĩnh vực mới về công nghệ, lập trình và trí tuệ nhân tạo. Vũ Công Minh cho biết: “Em học chuyên ngành vô tuyến điện tử nên các kiến thức về lập trình, máy tính nhúng … đều gần như là con số 0. Tham gia cuộc thi, từ kiến thức ban tổ chức cung cấp, sự hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ và tìm hiểu trên mạng và bạn bè, đến nay em đã cùng các bạn có thể lập trình cho xe tự chạy, tránh được vật cản, nhận diện biển báo”. Điều lớn nhất bộ tứ MTA Race4Fun thu được là tinh thần đoàn kết, đồng đội, nhất là những lúc khó khăn nhất.

 Những ngày chuẩn bị bước vào kỳ thi học kỳ II của năm, bộ tứ MTA Race4Fun cũng đang gấp rút luyện tập, xây dựng kỹ chiến thuật cho trận chung kết sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17/5 tới.

Công nghệ cho xe tự hành là một trong những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay, thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn trên thế giới như Google, Tesla, Uber… đã được lựa chọn làm chủ đề của Cuộc đua số, do FPT tổ chức, với sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ.

  Tham dự Cuộc đua số, các thí sinh được cung cấp mô hình xe tự hành có tỷ lệ bằng 1/10 kích thước xe thật, các thuật toán cơ bản giúp xe chạy được trên địa hình đường cong, tránh được vật cản… để các đội tập luyện. Ngoài ra, các thí sinh cũng được các chuyên gia về công nghệ xử lý ảnh, robotic, tự động hóa của FPT đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.

  Ngày 17/5 tại nhà thi đấu Quận Tây Hồ - Hà Nội, 8 đội thi đến từ 6 trường đại học trên nước (Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH FPT, ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐH CNTT – ĐHQG TPHCM) sẽ bước vào thi đấu trận chung kết Cuộc đua số 2017-2018.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.