Gần hơn để sẻ chia

Gần hơn để sẻ chia
TPO - Chia sẻ được qua điện thoại di động là cách nhiều gia đình tại Việt Nam đã thực hiện với người thân tại Nhật trong những ngày này. Khi người thân chưa thể về nước, nỗi lo vẫn ngay ngáy

Có khoảng 31.000 người Việt sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản. Khi động đất và sóng thần xảy ra, cả ba mạng di động lớn ở Nhật là NTT DoCoMo, KDDI và Softbank tại những khu vực xảy ra động đất đều gián đoạn liên lạc. Lưu học sinh Lê Phú Anh Duy chia sẻ: “Thời điểm khi động đất xảy ra mình không thể gọi điện về nhà vì mạng điện thoại bị gián đoạn. Mình phải lên mạng nhắn với bạn ở Việt Nam gọi giúp đến gia đình báo tin mình vẫn bình an để gia đình yên tâm”.

Bao nhiêu người con, người thân ở Nhật là bấy nhiêu nỗi lo lắng đến thắt lòng tại Việt Nam trong những ngày đầu hậu động đất 8,9 độ richter ở Nhật Bản. Duy đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Kinh tế ở tỉnh Saitama phụ cận của Tokyo. Phải vài hôm sau, liên lạc điện thoại mới được thiết lập trở lại, Duy mới có thể gọi về Việt Nam cho gia đình.

Theo các chuyên gia viễn thông, trên thực tế so với mạng điện thoại cố định thì mạng di động vẫn có các giải pháp khắc phục nhanh hơn. Đơn cử có thể điều ngay xe BTS di động tới để giải quyết cấp bách nhu cầu liên lạc. Ở nhiều trận động đất không ít người bị chôn vùi, điều kì diệu đã xảy ra khi một số người gọi vào số máy người thân của mình thì vẫn nghe tiếng chuông và từ đó định vị được nạn nhân đang ở đâu để đến cứu hộ kịp thời. Sự cố sập hầm mỏ ở Chilê năm 2010 “nhốt” 37 thợ mỏ là một điển hình, may mà có chiếc điện thoại di động để nhắn tin mà từ đó các nỗ lực giải cứu được bắt đầu và thành công.

Trong những ngày động đất xảy ra ở Nhật, đối với nhiều gia đình tại Việt Nam có thể liên lạc được với người thân của mình ở vùng xảy ra động đất ở xứ người được xem như một điều may mắn và hạnh phúc. Khuất Thị Thu Trang-một học viên cao học tại Học viện Ngôn ngữ Meros, Tokyo-kể lại trong một cuộc giao lưu trực tuyến: “Khi động đất xảy ra cả giáo viên người Nhật và các học viên đều hoảng sợ. Nhiều người liên hệ với gia đình qua điện thoại nhưng không được. Gia đình mình ở Việt Nam cũng rất lo lắng. Bố mình gọi thường xuyên, hàng chục cuộc mỗi ngày để trấn an con. Đến khi nghe thông tin rò rỉ phóng xạ thì cả gia đình gọi cho mình…”

Chia sẻ được qua điện thoại di động là cách nhiều gia đình tại Việt Nam đã thực hiện với người thân tại Nhật trong những ngày này. Khi người thân chưa thể về nước, nỗi lo vẫn ngay ngáy. Cước di động quốc tế, nếu vận vào trường hợp gia đình của Trang, mỗi ngày tiêu tốn không ít. Tuy nhiên, nhà mạng dường như cũng “bắt sóng cảm xúc” được vấn đề này nên đã nhanh chóng tung ra chương trình hỗ trợ. MobiFone đi đầu với chương trình “Gần hơn với Nhật Bản” (Closer to Japan) miễn cước 2 phút gọi đầu từ Việt Nam sang Nhật, toàn bộ các tin nhắn SMS gửi đi Nhật từ thời điểm 18-31/3 cũng được miễn cước, áp dụng cho tất cả thuê bao trả trước, trả sau và cả thuê bao đang chuyển vùng quốc tế tại Nhật. Với sự hỗ trợ này, nhiều gia đình có thể tiết kiệm được hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày khi chỉ gọi hỏi thăm người thân đang tại Nhật trong vòng 2 phút hoặc gửi tin nhắn SMS.

Theo thống kê của MobiFone, với chương trình “Gần hơn với Nhật Bản” trong hai ngày 18 và 19/3 số cuộc gọi từ Việt Nam đi Nhật gia tăng mạnh mẽ, lần lượt 76% và 62%, tương ứng với 45.634 và 37.193 phút gọi. Lượng tin nhắn SMS đi Nhật còn tăng mạnh hơn, lần lượt là 96% và 119%, tương ứng với 4.499 và 5.316 tin nhắn.

Đến thời điểm này, việc thông tin liên lạc ở nhiều nơi, đặc biệt là mạng di động, đã được nối thông trở lại. Điều đó cho thấy, công nghệ càng hiện đại thì các giải pháp khắc phục có thể nhanh chóng hơn. Liên lạc thông thì thông tin xuyên suốt, tình hình sức khỏe, công ăn việc làm, điều kiện sống của người thân bên Nhật được các gia đình tại Việt Nam nắm chắc hàng ngày, có thể nghe thông tin và chia sẻ chuyện trò mọi lúc mọi nơi.

Theo Viết
MỚI - NÓNG