Gã Đông-ki-sốt xứ Đoài

Gã Đông-ki-sốt xứ Đoài
TP - Bạn thơ, bạn rượu chỉ mới chạm đến “cửa ngõ thủ đô” (Hà Tây cũ) hay từ miền ngược xuống phố, đi qua cái thị xã khiêm nhường của xứ Đoài kiểu gì cũng bị “ách” lại bởi một gã mê thơ và ham rượu: Quốc Toản.
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.

Nhất định phải uống dăm bảy chén, đọc với nhau dăm ba (chục) bài thơ mới được thả ra mà tiếp tục lên đường, cách quan tâm “sức khỏe toàn phần” của gã dành cho bạn bè là như thế.

Tả xung hữu đột vì yêu

Năm 1992, CLB Văn nghệ sĩ xứ Đoài thành lập, Toản là một trong những thành viên đầu tiên, và cũng hăng hái nhất với tất cả các hoạt động sáng tác, biểu diễn. Nhưng gã nhận thấy hơn chục năm nay chưa có dấu ấn nào tạo hứng khởi cho anh chị em, cần phải làm một cái gì đó.

Rằm tháng Giêng, ngày thơ Việt Nam lần thứ 6 (2008) diễn ra tại Văn Miếu, gã quyết tâm làm đêm thơ xứ Đoài lần thứ nhất. Tập hợp được một số người yêu thơ (nhưng chưa hẳn đã biết làm thơ), sẵn lòng mở hầu bao giúp cho phần kinh phí, một mình gã đôn đáo chạy đi lo giấy phép, lo mời khách VIP từ trung ương lên, lo...luyện giọng cho những nhà thơ lên sâu khấu lần đâu.

Tất tả hơn chục ngày, quên cả ăn tết Mậu Tí. Chập tối 12 tháng Giêng, nhà văn hóa Sơn Tây đã đông kín khán giả. Quốc Toản – MC kiêm bầu sô - ngẫu hứng và lịch lãm dẫn dắt thành công đêm văn nghệ độc đáo. Thơ và nhạc quyện vào nhau, thăng hoa trong bầu không khí ấm áp, chân tình.

Nghệ sĩ chèo Lưu Nga có mặt từ rất sớm, những làn điệu cổ rót thẳng vào lòng người bao niềm lưu luyến. Đứng trên sân khấu, miệng giới thiệu từng tiết mục, mắt “điểm danh” khách mời, vào cánh gà gã bấm ngay điện thoại: “20 mâm nhé!”.

Kết thúc đêm thơ, khách được chở thẳng ra nhà hàng Đông Thành, ông chủ nhà hàng miễn phí phần dịch vụ. Gã nhìn niềm hân hoan của những thi nhân quê nhà, lòng rưng rưng chờ đợi một mùa thơ khai hoa…

Một lần lang thang trên đất Bình Định, gặp Dzũ Kha, xúc động trước tấm lòng “người giữ lửa thơ Hàn” bên Ghềnh Ráng, gã không tiếc công sức xúc tiến cho ra mắt hai tập sách về nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Sau chuyến đó, gã dụ được Dzũ Kha theo ra tận Sơn Tây để giới thiệu về vùng địa linh nhân kiệt.

Gần đây, thấy có vẻ dư dả về thời gian, không bị lệ thuộc vào giờ giấc hành chính, hỏi ra mới biết gã đã nghỉ hưu - ở tuổi 51. Sau 30 năm binh nghiệp, 20 năm đứng lớp tại Học viện Hậu cần, rồi trường Sỹ quan ô tô (nay là Trường THKT xe – máy), gã chủ động xin nghỉ. Chia tay anh em đồng đội bằng một đêm rượu và thơ.

Ngoài quan hệ đồng nghiệp, thầy trò, đây chính là lượng độc giả ổn định nhất. Mỗi bận thơ in ra, gã tặng thư viện trường vài chục cuốn, “Đơn vị có hẳn một nhà thơ, tại sao chúng ta lại không đọc?” sau lời nhắc nhở của thủ trưởng, nhân lên thì có đến cả nghìn người truyền tay nhau những vần thơ ấy.

Quang Toản còn tích cóp mua hẳn một chiếc máy in màu về để giữa nhà, đề phòng cảnh gián đoạn cảm hứng mỗi lúc cần phải in ấn cái gì đó phục vụ sáng tác. Gã rất cẩn trọng với thơ mình, mỗi ấn phẩm phải là một sản phẩm hoàn hảo, từ vẽ bìa, trình bày, chọn ảnh đến sửa bản in. “Chỉ có giấy phép xuất bản là không tự cấp được, các công đoạn còn lại đều phải chính tay mình làm mới yên tâm” – gã bảo.

Gã Đông-ki-sốt xứ Đoài ảnh 2

Say sưa “vác tù và hàng tổng”

Vừa nghỉ hưu, bà con đặt ngay chức tổ trưởng dân phố lên vai ông thượng tá. Bắt đầu với đống hồ sơ tồn đọng, gã mới biết rằng có những gia đình nghèo đến mức không có tiền mà đi…xin xác nhận hộ nghèo, đành chịu cảnh nhà dột vách nát hàng chục năm trời.

Bạn bè lo: “Vác tù và mãi không thấy mệt ư?” “Sao lại mệt? Được đi, được lo là được yêu, được sống nhiều cuộc đời. Có thế mới đủ chất liệu cho thơ, chứ không thì nhạt hoét như rượu giả ấy à?” - gã trả lời, cười ha hả.

Vậy là tức tốc chạy về vác máy ảnh ra chụp đối tượng, đặc tả cả những khe tường nứt đút lọt bàn tay, mái nhà thủng to bằng cái chậu giặt, rồi hướng dẫn làm đơn, in ra mấy bản gửi kèm bộ ảnh đến cơ quan chức năng.

Ít lâu sau những ngôi nhà xóa đói giảm nghèo được cất lên, người ta chẳng có cách nào gặp được gã để cảm ơn, vì có mấy khi gã chịu ở trong cái số nhà 31 Đốc Ngữ quá hai ngày.

Hầu như gã lúc nào gã cũng “đang” bận rộn đi/ gặp/ làm…một cái gì đó. Có khi là cô bạn nhà báo Hà Nội gọi về nỉ non xin ảnh chân dung một nhân vật xứ Đoài cho bài viết, gã lục lọi trong đống ảnh chưa có cái nào ưng ý, lại ôm máy đến tận nơi, rình bằng được khoảnh khắc đáng giá nhất để bấm máy.

Có lúc lại ở một đám cất nóc dựng nhà tình nghĩa cho người già cô đơn ở dưới Võng Xuyên, Phúc Thọ. Hay dàn dựng đêm nhạc từ thiện (thường làm cùng NSƯT Mạnh Hưng) quyên tiền ủng hộ các gia đình thương binh liệt sĩ khó khăn.

Gã còn bận…đi xin, từ quần áo còn tốt, đồ dùng chưa hỏng, hoặc tiền xin được, cho vào một cái túi to, mang theo đến những vùng quê nghèo phía bên bờ kia sông Đà, lựa lời tặng lại cho người còn thiếu thốn.

Những ngày Sơn Tây “lên” thành phố, rồi lại “xuống” thị xã, bao nhiêu biến động làm chao đảo cuộc sống dân lành, Anh hùng pháo binh Phùng Văn Khầu khi đó cũng gặp không ít phiền phức trên mặt trận “chống tham nhũng”. Nóng mặt, gã rút ruột ngồi viết những bài báo đầy tâm huyết gửi đi, bất chấp những cảnh báo, dọa dẫm xa gần. Rồi đến một ngày thị xã cũng trở lại yên bình.

Bạn bè lo: “Vác tù và mãi không thấy mệt ư?” “Sao lại mệt? Được đi, được lo là được yêu, được sống nhiều cuộc đời. Có thế mới đủ chất liệu cho thơ, chứ không thì nhạt hoét như rượu giả ấy à?” – gã trả lời, cười ha hả.

Chào năm Tân Mão này, gã tự tay làm tặng bạn bè mỗi người một cuốn lịch treo tường mang tên "Thơ-Ảnh và thời gian", khiêm tốn khổ A4, 13 trang.

Trang bìa 1 chính là ảnh chân dung của người được tặng (do gã bí mật chụp từ bao giờ không biết), còn 12 trang trong là những bức ảnh Toản chụp cảnh sắc trên mọi miền từng đặt chân đến, và có cả những câu thơ gã tâm đắc. Một món quà độc nhất vô nhị. Bạn bè đều bất ngờ đến phát khóc. Thế mới là Quốc Toản - chàng Đông - ki - sốt mang tâm hồn nghệ sĩ.

Làm thơ, viết báo, viết kịch bản kiêm đạo diễn, quay phim kiêm chỉ đạo diễn xuất, và chụp ảnh (đã mở triển lãm cá nhân năm 2002) - chừng ấy thứ để tung tẩy, mà hình như vẫn chưa thỏa.

Quang Toản mày mò học photoshop, tự thiết kế bìa sách, trừ tập Tạ lỗi với thời gian (1999), còn lại những tập thơ sau này đều do một tay gã làm: Trở mùa (2003), Khát gió (2005), Dấu vân tay (2008), Nửa đêm thức giấc (2010)… 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG