G7 bế tắc với sáng kiến kinh tế Ise-Shima

TP - Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.   

Theo dự báo của Qũy Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 giảm xuống 3,2%. Phát biểu tại hôm khai mạc, ông Shinzo Abe, Thủ tướng nước chủ nhà của Hội nghị G7 thừa nhận: “Nền kinh tế thế giới đang phải đối diện với một nguy cơ lớn”.

Để đối phó với nguy cơ này, nhóm G7 đã thống nhất biên soạn một tập hợp các biện pháp kinh tế được gọi là Sáng kiến kinh tế Ise-Shima, mà như lời ông Abe “là một thành tựu lớn”.

Hy vọng là vậy, nhưng những gì diễn ra ở Ise-Shima cho thấy, để hiện thực hóa Sáng kiến kinh tế trên vẫn cần không ít nỗ lực cũng như sự nhượng bộ giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo nhóm G7 sau hai ngày nhóm họp đã không thông nhất về khoản ngân sách chính xác mà mỗi nước G7 cần chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng. Biểu hiện rõ nhất là Đức và Anh từ chối yêu cầu của Nhật Bản, rằng các nước này nên chi tiêu nhiều hơn để vực dậy nền kinh tế thế giới.

Thứ hai, Vương quốc Anh, thành viên nhóm G7, mấp mé rời Liên minh châu Âu (EU), được dự báo sẽ gây ra mối nguy lớn với sự phát triển toàn cầu, đảo ngược xu hướng tăng trưởng thương mại, đầu tư và việc làm toàn cầu. Khả năng Anh rời EU được liệt kê là một trong những cú sốc lớn có nguồn gốc phi kinh tế.

Thứ ba, ngoài cam kết chung chung “sử dụng một kết hợp chính sách mạnh mẽ hơn và cân bằng, để nhanh chóng đạt được một mô hình tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng”, nhóm G7 vẫn chưa đưa ra phương án cụ thể nào nhằm phục hồi nền kinh tế thế giới. Điều này khiến dư luận lo ngại, chính lãnh đạo các nền kinh tế lớn cũng đang bế tắc trong vấn đề trọng yếu của Hội nghị.

Khởi đầu từ những năm 1970, nhóm G7 với các hội nghị thượng đỉnh là diễn đàn trao đổi giữa các cường quốc công nghiệp. Tuy không chính thức nhưng những quyết sách kinh tế của G7 tác động không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu. 

Không phải ngẫu nhiên mà tại phiên bế mạc, ông Abe đưa ra cảnh báo rằng, kinh tế thế giới đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt và “nếu các nước có những chính sách ứng phó sai lầm thì có thể đẩy kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng sau khi chấm dứt chu kỳ kinh tế bình thường”.

MỚI - NÓNG