Ngày 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, tổ chức tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị, đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò, đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này có lãnh đạo các nước G7, các khách mời là lãnh đạo các nước Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Papua New Guinea, Sri Lanka, Chad, các tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới và khu vực gồm Liên Hợp Quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tập trung thảo luận các vấn đề: cơ sở hạ tầng chất lượng cao; thiên tai, hạn hán; an ninh khu vực; các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề quyền phụ nữ và y tế; và vấn đề hợp tác với châu Phi.
Tại Hội nghị, thảo luận về chủ đề “Ổn định và thịnh vượng tại châu Á”, các đại biểu lắng nghe phát biểu của 4 diễn giả đặc biệt là Thủ tướng Lào, Tổng thống Indonesia, Tổng thống Sri Lanka và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của các nước G7 và các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là quyết định của Nhật Bản mở rộng lĩnh vực và phạm vi hỗ trợ của sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á. Với quyết định này, sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao không chỉ hỗ trợ các nước phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao mà còn bao gồm cả lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, đồng thời phạm vi hỗ trợ còn mở ra cho các khu vực khác ngoài châu Á. Hôm qua, AP đưa tin, các nhà lãnh đạo châu Á và châu Phi hoan nghênh Nhật Bản đầu tư 200 tỷ USD cho các dự án hạ tầng chất lượng cao ở hai lục địa này trong vòng 5 năm tới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, đặc biệt là tác động của hạn hán xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đối với đời sống của người dân, đồng thời làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Việt Nam, khu vực và thế giới. Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng cũng cảm ơn các nước G7 và các tổ chức quốc tế, trong đó có ADB đã hỗ trợ Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mekong và thông qua Ủy hội Mekong quốc tế kêu gọi các đối tác phát triển tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam và các nước Mekong tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực và hỗ trợ của Nhật Bản đối với các nước kém phát triển hơn nhằm duy trì tăng trưởng. Thủ tướng chia sẻ rằng, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm và nguồn lực khiêm tốn của mình, Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp cho hoà bình và phát triển của khu vực và thế giới. Các nỗ lực đó bao gồm tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ và đặc biệt là triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác song phương Việt Nam – châu Phi và hợp tác ba bên Việt Nam, châu Phi và đối tác tài trợ.
Tăng cường xây dựng lòng tin nhằm giải quyết vấn đề biển Đông
Thủ tướng cũng chia sẻ những quan ngại của các nước G7 và các nước ASEAN về các thách thức đối với hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Chia sẻ các nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các nước G7, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Lào, Thủ tướng Bangladesh, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế khách mời kêu gọi tăng cường hợp tác để duy trì tăng trưởng thế giới; ứng phó với thiên tai, hạn hán; hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đẩy mạnh kết nối và cuối cùng là tăng cường xây dựng lòng tin nhằm giải quyết các điểm nóng tại khu vực và thế giới, trong đó có an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngày 27/5, Japan Times đưa tin, kết thúc phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại trước những bước đi ngày càng gây căng thẳng của Trung Quốc ở khu vực, tuy không nêu rõ tên nước này. “Chúng tôi quan ngại về tình hình trên biển Đông và Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của việc quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp”, tuyên bố đưa ra sau hội nghị nêu rõ.
Tăng cường hợp tác với nhiều nước châu Âu
Chiều 27/5, nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc gặp với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Canada, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế, khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết tâm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất, đặc biệt là hợp tác kinh tế. Thủ tướng mong muốn các nước và các đối tác ủng hộ Việt Nam tăng cường vai trò và trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và trên thế giới, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và ứng cử vào vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) nhiệm kỳ 2017-2021.
Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các nước đã có lập trường tích cực, ủng hộ Việt Nam và ASEAN trong giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định cho thịnh vượng và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường vai trò của các cơ chế trao đổi, điều phối hợp tác về chiến lược, kinh tế, quốc phòng, an ninh, hợp tác địa phương, thúc đẩy đầu tư, hợp tác trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dược phẩm và các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường; ủng hộ Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của WB sau năm 2017.
Gặp gỡ Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Canada tiếp tục hỗ trợ phát triển cho Việt Nam thông qua nguồn ODA và ủng hộ Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của WB sau 2017; hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để nâng cao năng lực thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); khuyến khích các doanh nghiệp Canada gia tăng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc hội kiến với Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn EC, Hội đồng châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tích cực thúc đẩy hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) với Việt Nam và đề nghị EU phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam triển khai hiệp định này. Hai bên cũng đánh giá cao việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) hồi tháng 12/2015, và nhất trí cùng thực hiện các biện pháp để thúc đẩy, sớm hiện thực hóa những lợi ích mà EVFTA mang lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Chủ tịch WB Jim Yong Kim.