Tổng kết về tình hình an ninh mạng năm qua, đại diện của VNISA cho hay, xét theo độ nóng trên phương tiện thông tin đại chúng, năm 2014, tình hình an ninh mạng tương đối bình yên. Tuy nhiên cuối năm xuất hiện một đợt tấn công trực diện vào doanh nghiệp. So với các cuộc tấn công trước đây, cuộc tấn công vào VCCorp táo bạo hơn, mạnh mẽ hơn.
Ngay cả khi cơ quan an ninh điều tra, các đợt tấn công vẫn diễn ra. Điều đó cho thấy mức độ nguy hiểm hơn trong các cuộc tấn công vào doanh nghiệp hiện nay. Cũng trong năm 2014, xuất hiện nhiều đợt tấn công vào website của các đơn vị, tổ chức. “Các đợt tấn công này dường như đều liên quan đến vấn đề xung đột chủ quyền biển đảo”, ông Thành cho hay.
Hiệp hội An toàn thông tin công bố kết quả khảo sát đánh giá thực trạng an toàn thông tin tại Việt Nam năm 2014. Khảo sát được tiến hành với 745 tổ chức, doanh nghiệp. Kết quả cho thấy có tới 81% tổ chức, doanh nghiệp cho phép nhân viên sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng cá nhân trong hệ thống mạng của tổ chức, doanh nghiệp.
Điều này tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận không đủ khả năng để ghi nhận được hệ thống mạng đang bị tấn công. Số tổ chức, đơn vị có quy chế an toàn thông tin chỉ chiếm một phần ba. Đầu tư cho việc đảm bảo an toàn thông tin còn thấp (45% tổ chức đầu tư dưới 5% trong khi con số khuyến cáo là 10% tổng đầu tư cho hệ thống CNTT). Đây sẽ là những hạn chế lớn khi các tổ chức, doanh nghiệp phải đối mặt với tấn công mạng, nhất là trong bối cảnh các cuộc tấn công ngày càng táo bạo và tinh vi.
Các chuyên gia nhận định năm 2015 có thể xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào các tổ chức, cá nhân để lấy dữ liệu. Việc cho phép sử dụng smartphone, máy tính bảng trong hệ thống mạng của doanh nghiệp, tổ chức sẽ gia tăng và khó quản lý. Hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia có thể trở thành đích ngắm nếu có xung đột xảy ra.