Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg tiết lộ dữ liệu của ông cũng nằm trong số 87 triệu người dùng mạng xã hội này rơi vào tay Công ty Cambridge Analytica.
Sống sót
Tiết lộ được đưa ra trong cuộc điều trần trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện hôm 11-4, gây không ít hoang mang và sửng sốt. Ngay cả nhân vật quyền lực nhất mạng xã hội có hơn 2,2 tỉ người dùng này cũng bị "gặt hái" thông tin thì dân thường sẽ trần trụi tới mức nào trên thế giới ảo.
Hai ngày liên tiếp bị "quay" tới tấp trong hai cuộc điều trần dài hơn 15 giờ, lần lượt trước các nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện Mỹ, vị tỉ phú trẻ đang trong tâm bão của vụ bê bối được cho là đã "sống sót" thành công. Bằng sự điềm tĩnh, không một thời khắc nào tỏ ra bối rối dù đây là lần đầu tiên điều trần trước quốc hội Mỹ, ông chủ Facebook đã kịp thời trấn an các nhà đầu tư dù giới chức lập pháp thẳng thừng chế nhạo những lời xin lỗi về sự thất bại trong bảo vệ quyền riêng tư của người dùng cũng như những lời hứa hẹn sẽ làm tốt hơn của CEO Facebook.
Ngồi một mình giữa các thượng nghị sĩ của Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm 10-4 và các dân biểu Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện hôm 11-4, cùng một rừng ống kính máy quay của truyền thông, chiến lược xuyên suốt của nhà sáng lập Facebook vẫn là những lời xin lỗi mà cả thế giới đã quá quen sau khi bê bối nổ ra: "Đây là lỗi của tôi và tôi xin lỗi".
Vốn đã "đóng đinh" với hình ảnh quần jeans xanh, áo thun xám quen thuộc, số lần xuất hiện với áo vest hay cà vạt của Zuckerberg tính trên đầu ngón tay, thế nhưng ông đã chọn trang phục nghiêm túc này cho các cuộc điều trần. Báo The New York Times gọi đây là "trang phục xin lỗi" của Mark Zuckerberg. Thợ may lừng danh tại New York Alan Flusser, tác giả cuốn "Quần áo và con người", cho biết thông điệp mà Zuckerberg muốn truyền tải tới những nhà lập pháp đầy ngờ vực, thông qua bộ vest của mình: "Tôi ở trong nhà của quý vị và tôi sẽ chấp nhận các quy tắc mà quý vị đề ra".
Khó đỡ
Theo Bloomberg, sự hoài nghi lan rộng của các nhà lập pháp ở cả lưỡng đảng của Mỹ cô đọng trong câu hỏi đầy nhức nhối của Hạ nghị sĩ Janice Schakowsky - một đại diện của Đảng Dân chủ đến từ bang Illinois: "Ai sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi Facebook?". Về phần mình, ông chủ Facebook tỏ ra cởi mở với câu chuyện luật lệ về internet mà quốc hội Mỹ đang đứng trước áp lực phải xem xét, song ông cảnh báo cần phải thận trọng về những luật lệ ban hành trong khi internet ngày càng trở nên quan trọng trên thế giới.
Đợt điều trần diễn ra gần 1 tháng sau khi vỡ lở bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử về hoạt động chia sẻ dữ liệu của Facebook. Thông tin từ số người dùng lên tới 87 triệu người đã bị chuyển qua công ty nghiên cứu dữ liệu Cambridge Analytica của Anh vốn có liên hệ với chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đài CNN, vụ bê bối đã làm nổi rõ một vấn đề trong bản chất kinh doanh của Facebook, đó là khai thác dữ liệu người dùng. Một trong những cần câu cơm của doanh nghiệp có giá trị 480 tỉ USD này là thu thập dữ liệu người dùng và bán cho các nhà phát triển ứng dụng và quảng cáo. Ngăn chặn những dữ liệu đó tới tay bên thứ ba là điều bất khả thi.
Thực ra, khía cạnh báo động nhất của bê bối liên quan tới Cambridge Analytica là công ty truyền thông của Anh này chẳng vi phạm quy định nào cả. Mọi chuyện xảy ra hầu như chẳng phải điều gì khuất tất và nó cũng chẳng trái chính sách của Facebook. Theo công bố từ mạng xã hội này, số dữ liệu khổng lồ trong vụ bê bối này ban đầu được nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan tại ĐH Cambridge (Anh) thu thập năm 2013 một cách hợp pháp.
Tuy nhiên, sau đó, những dữ liệu đó được bán cho các bên thứ ba, trong đó có Cambridge Analytica - hãng nghiên cứu dữ liệu do cựu trợ lý của ông Trump là ông Steve Bannon và nhà tài trợ Robert Mercer vận hành. Riêng điểm này, ông Kogan đã vi phạm quy định của Facebook. Thế nhưng, ngay cả các nguồn tin từ Facebook cũng thừa nhận không thể hoàn toàn giám sát các nhà phát triển ứng dụng và quảng cáo làm như vậy với dữ liệu một khi chúng đã vào tay họ. Điều này giống như bán thuốc lá cho ai đó và nói với họ không được đưa cho bạn bè.
Trong phiên điều trần tại Điện Capitol hôm 10-4, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal chất vấn Zuckerberg về nội dung có ghi trong điều khoản dịch vụ mà giáo sư Kogan đã sử dụng, rằng Facebook đã được thông báo về việc ông có thể bán thông tin có được từ Facebook. Khi được hỏi là đã đọc nội dung này chưa, ông Zuckerberg trả lời: "Tôi chưa đọc hết". Một chi tiết khó đỡ nữa là phía Facebook cho biết đã nắm được vụ việc vào năm 2015 và ngay sau đó yên trí rằng tất cả các bên đã hủy dữ liệu. Thế nhưng, khi bê bối bung bét ra hồi giữa tháng rồi, Facebook mới hay tin không phải tất cả dữ liệu đều được xóa. Và lúc này Cambridge Analytica liền bị… đóng tài khoản!
Đánh đố người dùng
Quá trình ông chủ Facebook "lâm trận" tại quốc hội Mỹ vô tình "khuyến mãi" cho các hãng truyền thông thế giới những bức ảnh ấn tượng. Trong đó, hình ảnh Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham cầm xấp bản in dày hàng trăm trang về "Điều khoản sử dụng dịch vụ" của Facebook trong cuộc điều trần hôm 10-4 gây ấn tượng mạnh. Nhà lập pháp 62 tuổi đến từ bang Nam Carolina làm bộ đọc qua vài dòng của núi điều khoản rồi giơ lên hỏi thẳng: "Liệu anh có nghĩ người dùng Facebook nào đọc được hết đống tài liệu này không?".
Trong các điều khoản đó có quy định về việc chia sẻ thông tin, hình ảnh. Có điều, theo nghiên cứu từng được trang Guardian công bố năm 2017, hầu như chẳng ai đọc qua những điều khoản dài dằng dặc như đánh đố đó.
Sự xuất hiện của ông chủ mạng xã hội lớn nhất hành tinh tại quốc hội Mỹ đang trở thành cảm hứng bất tận cho các bức ảnh chế của cư dân mạng. Trong đó, Zuckerberg được khắc họa như đang phải trải qua "cơn ác mộng" mà người trẻ tuổi nào cũng từng gặp: Giải thích về cách thức hoạt động của các thiết bị, dịch vụ công nghệ cho người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhiều tờ báo, giới chức nghị sĩ Mỹ đã quá nhẹ tay với Zuckerberg, hỏi chưa đi vào trọng tâm và lý do là vì một số người "mù công nghệ".