Ngày thứ hai điều trần trước Quốc hội Mỹ của Mark Zuckerberg được cho là “khó nhằn” hơn sau khi CEO Facebook "sống sót" qua phiên điều trần đầu tiên trước Thượng viện ngày 11/4.
Giám đốc điều hành Facebook đối mặt hàng loạt câu hỏi hóc búa liên quan đến hành vi thu thập dữ liệu và sự cần thiết của một bộ luật mới liên quan đến quyền riêng tư trên mạng internet trong một buổi điều trần kéo dài 5 giờ trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện.
Đây là phiên điều trần thứ hai và cuối của Mark trong tuần này sau vụ bê bối dữ liệu của Cambridge Analytica.
Trong phiên điều trần trước đó trước Thượng viện, Zuckerberg đưa ra lời xin lỗi và cho rằng Facebook đã "mắc phải sai lầm lớn" và "không có đủ tầm nhìn" về trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Mark đã không khỏi do dự khi ông Frank Pallone, một thành viên đảng Dân chủ ở New Jersey, đặt câu hỏi về việc liệu Facebook có thể cam kết thay đổi các thiết lập mặc định để giảm thiểu việc thu thập dữ liệu "nhiều nhất có thể" hay không.
Zuckerberg đáp: "Đây là một vấn đề phức tạp." Pallone cho rằng đây là một câu trả lời "đáng thất vọng".
Nghị sĩ Kathy Castor tra hỏi Zuckerberg về việc liệu Facebook có theo dõi người dùng ngay cả khi họ tắt ứng dụng hay không. Nghị sĩ Ben Luján đã khiến cho Zuckerberg thừa nhận Facebook thậm chí còn thu thập dữ liệu từ một số người chưa hề đăng ký tài khoản Facebook "vì lý do an ninh."
Nhiều nhà lập pháp cũng chỉ ra rằng chính sách dữ liệu của Facebook về các ứng dụng của bên thứ ba đã vi phạm thỏa thuận năm 2011 của Ủy ban Thương mại Liên bang liên quan đến một vụ khiếu nại Facebook về quyền riêng tư. Nếu sự thật là vậy, Facebook có thể bị phạt nặng. Ủy ban xác nhận đã tiến hành triều tra Facebook từ tháng 3/2018.
Phiên điều trần trước Quốc hội của Mark Zuckerberg diễn ra gần một tháng sau khi Cambridge Analytica, một công ty dữ liệu có liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, đã truy cập thông tin trái phép từ 87 triệu người dùng Facebook.
Zuckerberg tiết lộ trong buổi điều trần hôm thứ Tư rằng dữ liệu của chính mình cũng bị lộ tuy nhiên không phản ứng trước yêu cầu làm rõ thông tin này.
Giám đốc Facebook đã “sống sót” qua phiên họp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban thương mại của Thượng viện. Tuy nhiên tại buổi điều trần tại Hạ viện, các nhà lập pháp đã đánh trúng Zuckerberg với những câu hỏi hóc búa hơn mặc dù mỗi Nghị sĩ chỉ có 4 phút đặt câu hỏi cho Mark.
Nghị sĩ David McKinley chỉ trích Zuckerberg và Facebook "làm tổn thương người khác" trước việc chất cấm opioid (một loại chất gây nghiện) được rao bán trên nền tảng này.
Nghị sĩ đảng Dân chủ ở Illinois Jan Schakowsky trích dẫn lại một loạt những lời xin lỗi của Zuckerberg trong những năm qua và kết luận: "Đây là bằng chứng cho thấy rằng việc xin lỗi suông không giải quyết được vấn đề gì.”
Giám đốc điều hành Facebook cho hay ngành công nghiệp internet có lẽ cần phải được điều chỉnh. "Internet đang ngày càng trở nên quan trọng trên khắp thế giới ... Tôi nghĩ rằng việc ban hành luật liên quan đến nó là điều vô cùng cần thiết.”
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có ủng hộ các quy định cụ thể về quyền riêng tư, như Đạo luật Trình duyệt của Quốc hội hay không, Zuckerberg đã rút lại lời nói trước đó.
Trong cả hai phiên điều trần, các nhà lập pháp đã gây áp lực lên Zuckerberg về vấn đề độc quyền. Zuckerberg trả lời rằng Facebook có rất nhiều đối thủ cạnh tranh bởi người Mỹ trung bình sử dụng tám ứng dụng hàng ngày để kết nối với mọi người. Tuy nhiên khả năng Facebook cũng sở hữu các ứng dụng trên không được đề cập tới.