EVNNPC cùng khách hàng bàn chuyện tiết kiệm tiền tỷ

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 6/4, tại Hải Phòng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tổ chức hội nghị với sự tham gia của gần 2.000 doanh nghiệp, khách hàng đến từ 27 tỉnh, thành phố miền Bắc. Chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các giải pháp tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất, giúp tiết kiệm nhiều tỷ đồng mỗi năm.
EVNNPC cùng khách hàng bàn chuyện tiết kiệm tiền tỷ ảnh 1

EVNNPC sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tiết kiệm điện kết hợp an sinh xã hội; chương trình nghiên cứu, điều chỉnh và dự báo phụ tải

Tập trung cho tiết kiệm điện

Phát biểu tại ‘Hội nghị EVNNPC chung tay cùng khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, ông Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2023-2030, dự kiến nhu cầu điện cần tăng trung bình 8,37%/năm và đạt mức khoảng gần 500 tỷ kWh điện thương phẩm, công suất cực đại khoảng 86GW vào năm 2030. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành Điện Việt Nam. Chính vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả được xem là giải pháp cấp bách trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo dự báo của EVNNPC, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ thiếu hụt công suất điện trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8/2023. Với bối cảnh như trên, nhu cầu điện ở miền Bắc tiếp tục tăng thì nguy cơ thiếu điện cục bộ là hiện hữu. Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ gây sụp đổ hệ thống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung cấp điện và an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, sử dụng điện tiết kiệm vừa là một giải pháp vừa là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hiện nay.

EVNNPC cùng khách hàng bàn chuyện tiết kiệm tiền tỷ ảnh 2

Ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng giám đốc EVNNPC phát biểu kết luận hội nghị

Nhận định tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng Giám đốc EVNNPC cho hay, có thể khẳng định, lợi ích từ các chương trình tiết kiệm điện là vô cùng to lớn không chỉ cho ngành điện, khách hàng mà còn cho cả đất nước, cộng đồng như: Tăng hiệu quả đầu tư, nâng cao độ tin cậy, chất lượng cung cấp điện, tối ưu hóa cân bằng cung cầu; giảm công suất đỉnh hệ thống; giảm nhu cầu sử dụng điện, giảm áp lực đầu tư, nâng cấp hệ thống điện.

Đồng thời, giúp giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao hình ảnh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường; giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên, nhiên liệu sơ cấp, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững.

Trong những năm qua, EVNNPC còn là doanh nghiệp tiên phong trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện hiệu quả các chương trình về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có chương trình điều chỉnh phụ tải. Với sự đồng hành của khách hàng sử dụng điện, sản lượng tiết kiệm điện năm 2022 của EVNNPC đạt 2% tổng sản lượng điện thương phẩm. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ từ 1 - 3 triệu kWh/năm tự nguyện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải ngày càng tăng. Năm 2022, số lượng khách hàng tham gia chương trình DR đã tăng lên 3.536 khách hàng.

EVNNPC cùng khách hàng bàn chuyện tiết kiệm tiền tỷ ảnh 3

Công nhân Điện lực khu vực Bỉm Sơn – Hà Trung (PC Thanh Hóa) tháo công tơ cơ khí cũ để thay thế bằng công tơ điện tử đo xa

Khi doanh nghiệp cùng chung tay

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, thông qua các chương trình tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải, tối ưu tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng mỗi năm.

Là một trong những khách hàng tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Trương Văn Lợi - Giám đốc Công ty CP Xi măng Long Sơn cho biết, công ty đã phối với Công ty Điện lực Thanh Hóa để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải. Từ năm 2019-2021, công ty đã tham gia tiết giảm 105MW. Đặc biệt, trong năm 2022, công ty đã thực hiện tiết giảm đến 80MW vào các khung giờ cao điểm nắng nóng.

"Để phối hợp thực hiện tốt công tác DR, chúng tôi đã phân loại dây chuyền sản xuất ra nhiều hạng mục, qua đó đánh giá các mức độ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty khi các hạng mục này phải ngừng sản xuất, từ đó phối hợp với ngành điện xây dựng quy trình phối hợp giữa hai đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải, đặc biệt là trong các trường hợp DR khẩn cấp", ông Trương Văn Lợi chia sẻ.

Không chỉ với Xi măng Long Sơn, một doanh nghiệp khác cũng "ngốn" điện là Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, với hơn 43 triệu kWh/năm. Ông Trần Nhật Ninh, Phó giám đốc kỹ thuật công ty cho hay, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý và kỹ thuật để sử dụng điện tiết kiệm giúp tiết kiệm nhiều tỷ đồng.

Có thể kể đến như việc đầu tư và đưa vào sử dụng các máy làm lạnh mới kiểu nén xoắn ốc sử dụng hệ điều khiển biến tần - động cơ có chỉ số hiệu quả cao thay thế cho các máy cũ; thay thế đèn LED tiết kiệm điện; xây dựng định mức tiêu thụ điện từ đầu năm và giao chỉ tiêu cho các đơn vị...

Ông Trương Văn Lợi cho rằng, thực tế, việc thực hiện DR cũng làm ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất và kinh doanh của công ty. Trong khi đó, chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại chưa có cơ chế khuyến khích thiết thực với khách hàng tham gia. Do vậy, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành chương trình hỗ trợ tài chính thiết thực với các doanh nghiệp khi tham gia DR.

MỚI - NÓNG